Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai ở mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng (20-12-1946)

Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc họp dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi đến nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng lực lượng vũ trang, chú trọng chất lượng quân sự và chính trị sẵn sàng chiến đấu khi giặc Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược cả nước ta.

 

Quảng Nam và Đà Nẵng ở vào vị trí đầu cầu của khu V, Trị Thiên và Hạ Lào, có hải cảng, sân bay, nơi quân Pháp đang đồn trú và chuẩn bị mở cuộc xâm lược mới. Theo kinh nghiệm lịch sử, khi chiến tranh toàn quốc nổ ra, thì Đà Nẵng sẽ là nơi quân Pháp và quân ta đụng độ đầu tiên. Để thống nhất chỉ đạo ở mặt trận này, Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập do Đàm Quang Trung làm chỉ huy trưởng, Nguyễn Bá Phát chỉ huy phó, Huỳnh Ngọc Huệ chính trị viên. Trung đoàn 96 được bổ sung thêm tiểu đoàn 19, một tiểu đoàn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.

Tháng 11-1946, cấp trên quyết định sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng thành một đơn vị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chỉ định Tỉnh ủy mới do ông Trương Quang Giao, ủy viên Thường vụ Xứ ủy làm Bí thư, ông Trần Tống làm Phó bí thư và một số ủy viên. Ủy ban Kháng chiến tỉnh do ông Trần Đình Tri làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Xuân Nhĩ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, được phân công phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội. Ủy ban Kháng chiến tỉnh tiếp tục cử người đi củng cố các chiến khu. Các cơ quan ở Đà Nẵng bí mật dời tài liệu, máy móc ra ngoại thành. Cán bộ thực hiện quân sự hóa triệt để.

Về phía Pháp, từ ngày 5-12-1946 chúng đưa thêm bán lữ đoàn bộ binh lê dương số 13 và trung đoàn bộ binh lê dương số 3 cùng nhiều vũ khí, xe tăng đổ bộ lên cảng Đà Nẵng. Ngày 12-12-1946, tên đại tá Larèque đáp máy bay đến Đà Nẵng, lập bộ chỉ huy mặt trận.

Ngày 16-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các tỉnh miền Nam chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 19-12-1946, Ban chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nhận được điện của Trung ương: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư, đòi tước khí giới quân đội, tự vệ công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng”. Trung ương Đảng chỉ thị: “Tất cả hãy sẵn sàng”.

Chiều ngày 19-12-1946, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu, mở đầu bằng lời cấp báo: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến!”.
 
Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban chỉ huy mặt trận nhận được điện trên, đã ra lệnh đúng 2 giờ sáng 20-12-1946 tiểu đoàn 19 nổ súng đánh địch tại sân bay, các đơn vị khác đồng loạt nổ súng tấn công địch. Các cầu Thủy Tú, Cẩm Lệ, Phong Lệ, nhà máy điện… bị phá sập. Đồng bào trong thành phố tản cư triệt để.

Cùng với cả nước, cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp lần thứ hai ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng thực sự bắt đầu. Các mũi tiến quân của địch đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt ngay từ khi chúng xuất phát. Cuộc chiến đấu diễn ra ở Đà Nẵng không cân sức về binh khí và kỹ thuật, nhưng tinh thần dũng cảm hy sinh của bộ đội ta thật phi thường. Ròng rã hơn một tháng chiến đấu kiên cường, vượt qua vô vàn khó khăn và bỡ ngỡ, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã thực hiện được nhiệm vụ của cấp trên đề ra, vây hãm, tiêu hao một bộ phận địch, giam chân chúng trong thành phố, góp phần làm thất bại kế hoạch tốc chiến, tốc thắng của giặc Pháp, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian để chuyển vào chiến tranh, tiếp tục kháng chiến lâu dài.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, đã biểu dương: “So sánh với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất…” và trao tặng quân dân mặt trận Đà Nẵng lá cờ thêu hai chữ “GIỮ VỮNG”. 

Những mốc son lịch sử

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp đầu tiên của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng năm 1858

Ở thế kỷ XIX, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của thực dân Pháp trong kế hoạch giành giật thị trường và mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Đà Nẵng được coi như một cửa ngõ chiến lược để xâm lược Việt Nam.

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng (8-3-1965)

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Sau khi đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa HAWK vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (nay thuộc quận Thanh Khê). Đến chiều cùng ngày, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn nói trên được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ được đưa vào miền Nam, trực tiếp tham chiến.

Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng (3-10-1888)

Dưới sức ép của thực dân Pháp, ngày 25-8-1883, triều đình Huế buộc phải ký với chúng "Hiệp ước hòa bình" (còn gọi là hiệp ước Harmand), qua đó chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc yêu cầu mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp sẽ được phép lập các khu nhượng địa (concession) ở đây. Cho đến bản Hiệp ước ký ngày 6-6-1884 (còn gọi là Hiệp ước Patenôtre) thì căn bản Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp dưới nhiều chế độ cai trị khác nhau

Cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân Đà Nẵng từ tháng 3 đến tháng 5-1966, đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam thời chống Mỹ

Do mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đám tay sai chóp bu của Mỹ ở Sài Gòn, cái gọi là “Hội đồng quân sự” do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu đã ra lệnh cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn I, ngày 10-3-1966. Nhận được tin Thi bị cách chức, vào lúc 17 giờ ngày 11-3-1966, khoảng 300 sĩ quan và binh lính thuộc phe cánh ông ta ở miền Trung họp mít tinh ở hội trường Trưng Vương (Đà Nẵng) “yêu cầu chính phủ trung ương phục chức cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi”, đồng thời thành lập “Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật” để làm áp lực với chính quyền trung ương.

Chiến thắng lịch sử trên đèo Hải Vân trong kháng chiến chống Pháp (24-1-1949)

Hải Vân, con đèo hùng vĩ và đẹp nhất nước, từng được sử sách xưa xếp vào loại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhưng đối với các đạo quân xâm lược, thì nơi đây đã ghi lại bao nỗi đau buồn.

Asset Publisher

Navigation Menu

Navigation Menu