Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng
Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng (tọa lạc tại số 2A, đường Phan Đăng Lưu, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là dự án do Công ty Jina Architects Co., Ltd. (Hàn Quốc) thiết kế trên ý tưởng trò chơi xếp hình Tangram. Công trình có quy mô 3 tầng, bao gồm các khu đa chức năng, khu vui chơi, giải trí, công viên, phòng học, phòng thể dục thể thao, thư viện, hội trường. Công trình do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư với mức vốn khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, được xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 33.000 m2, trong đó diện tích cho công trình gần 6.900 m2, còn lại là công viên, cây xanh, mặt nước, bãi giữ xe và lối đi nội bộ.
Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố có sứ mệnh đào tạo những tài năng nhí về thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ. Việc tổ chức dạy các lớp năng khiếu về khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ngoại ngữ, hướng nghiệp kỹ thuật như: Anh văn, organ, múa, đàn tranh, guitar, hội họa, tin học, cờ vua, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, võ thuật… được duy trì đều đặn, thường xuyên. Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng còn là nơi hoạt động của các Đội nhóm, câu lạc bộ (CLB): CLB họa sỹ nhỏ tuổi, CLB Chỉ huy Đội, CLB Phụ trách Đội, CLB Nghi thức Đội, CLB Anh văn, CLB Kỹ năng, CLB Múa rối, CLB Bóng bàn, CLB Karate, CLB Vovinam, CLB Thiếu lâm bắc phái, CLB Thái cực đạo, đội Văn nghệ Vàng Anh, đội múa chuyên, đội thể dục nhịp điệu.
Hằng năm, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố tổ chức nhiều hội diễn văn nghệ với chủ đề “Tiếng hát tuổi thơ” cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn; tổ chức Liên hoan nghệ thuật “Dành cho trẻ em thiệt thòi” cho các trung tâm, trường trẻ em khuyết tật.. cùng nhiều Hội thi thể thao, triển lãm tranh vẽ thiếu nhi, trại hè “Họp bạn” và các cuộc thi trò chơi dân gian, trò chơi trên bãi biển vào kỳ nghỉ hè hàng năm… Bên cạnh đó, Nhà Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Đồng đội Trung ương tổ chức như Liên hoan các Nhà Thiếu nhi toàn quốc, Liên hoan ca múa nhạc “Búp sen hồng”, Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta”.
Vào các ngày Hội Trung thu, Quốc tế thiếu nhi, ngày Nhà giáo Việt Nam… Nhà văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động Hội thi Múa lân, làm lồng đèn Trung thu, bày cỗ, hóa trang, rước đèn. Đây cũng là một địa chỉ thân quen dành cho các em học sinh trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, tham quan di tích và những buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục tâm lý và kỹ năng sống.
Với chức năng là trung tâm hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố là nơi ươm mầm phát triển và bồi dưỡng tài năng thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục thể thao theo sở thích và năng khiếu của các em thiếu nhi. Qua đó, đóng góp một vai trò hết sức cần thiết và bổ ích trong việc phát hiện và phát triển năng khiếu, hình thành nhân cách toàn diện của các em. Chính từ nơi đây đã phát hiện, mở rộng những nhu cầu, kỹ năng bổ ích giúp các em sống hòa đồng và thích nghi với cuộc sống, để các em gắn bó với cộng đồng ngay từ khi còn niên thiếu.
Cầu Sông Hàn- niềm tự hào của người dân Đà Nẵng
Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã khởi công xây dựng cầu Sông Hàn – một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó. Đây không chỉ là công trình chào mừng thiên niên kỷ thứ ba mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.
Công viên 29-3 – Lá phổi xanh quý giá của thành phố
Công viên 29/3 trước năm 1975 được xem như khu vực bãi rác trung tâm của cả thành phố. Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên thành phố đã phát động chiến dịch dọn bãi rác xây dựng công viên. Trên bãi rác khổng lồ ngày ấy, từng nhát cuốc của đoàn viên thanh niên phát đến đâu, từng mầm xanh được gieo xuống và đã không ngừng nảy nở, sinh sôi, vươn lên giữa hoang tàn, làm nên một không gian xanh công cộng giữa lòng thành phố ngày nay.
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Nơi giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa quê hương
Cùng với những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, người dân Đà Nẵng cũng luôn ý thức được được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của địa phương, của dân tộc. Việc Đà Nẵng đầu tư xây dựng một nhà hát tuồng quy mô, bài bản, chuyên nghiệp ngay giữa lòng thành phố chính là một minh chứng cho tinh thần đó.
Cầu Thuận Phước – dải lụa nối đôi bờ sông Hàn
Một trong những điểm nhấn nổi bật của thành phố Đà Nẵng là những chiếc cầu nối liền đôi bờ sông Hàn. Bởi lẽ không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn mà còn kết nối giao thương, tạo đà cho phát triển kinh tế, đồng thời tạo nên nét riêng cho thành phố với những kiến trúc mới lạ, ý tưởng thiết kế độc đáo. Không những thế, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn, những chiếc cầu trở nên rực rỡ hơn dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ quyến rũ của một thành phố trẻ năng động. Một trong số đó phải kể đến cầu Thuận Phước – cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm - lưu giữ cả một quá khứ vàng son
Tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương, bên bờ sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là niềm tự hào của người dân thành phố, là nơi tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đà Nẵng.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!