Lịch sử đấu tranh cách mạng thành phố Đà Nẵng (Tiếp theo - 13)
Tourane - Đà Nẵng một trung tâm kinh tế của xứ Đông Dương thuộc địa (tiếp theo)
Tuy nhiên do không quan tâm đến việc tổ chức hải cảng và bảo hiểm hàng hải theo các phương tiện thông tin liên lạc và nhất là do các thủy lộ bị cát bồi nên Đà Nẵng đứng trước nguy cơ mất đi những ưu thế vốn có của mình. Cho đến năm 1902, cả Đà Nẵng vẫn chưa có một cầu tầu (appontement) nào, bến bãi hoàn toàn do các hãng tàu tự lo liệu, và cũng đến lúc này ở hải cảng cũng chưa có nổi một chiếc cần trục...
Tình hình đó đòi hỏi Đà Nẵng phải cải tạo và trang thiết bị lại. Đầu năm 1905, công việc cải thiện tình trạng của cảng cũng đã được xúc tiến. Một ủy ban công chánh đưa ra một dự án xây dựng một đập đá ở cửa sông để ngăn bớt sự bồi lấp của cát trên các thủy lộ. Đến năm 1922 đã thấy hai con đập xuất hiện trên bản đồ của cảng, cải thiện lối ra vào các thủy lộ nối liền bến đậu ở Tiên Sa đi sâu vào lòng sông Hàn để cập bến tả ngạn. Tháng 10.1925 một ủy ban công tác cải thiện cảng đã được Khâm sứ Trung Kỳ thành lập. Năm 1935 cảng còn trang bị một tàu nạo vét (xáng) Guillenot (con tàu này đến năm 1944 bị máy bay Mỹ đánh đắm). Đến năm 1930 cảng đã có hai cần trục hơi nước có sức nâng 2,5 tấn và đến năm 1933 hải cảng đã có 13 cầu tàu.
Ở cửa biển vào vịnh, từ năm 1902 hải đăng đã được xây cất, năm 1906 dựng các cột hiệu (cột thủ ngữ - mâts des signeaux), năm 1913 công chính lắp một hỏa hiệu (feu rouge) ở Tiên Sa. Năm 1913, một đài vô tuyến được lập ở Sơn Trà để tiếp nhận thông tin khí tượng phát đi từ đài Phủ Liễn (Kiến An) và bảo đảm liên lạc từ đất liền tới các con tàu (năm 1914 bắt đầu hoạt động).
Các cơ quan hỗ trợ cho hoạt động của cảng cũng dần được hoàn thiện, trong đó kể cả cơ quan cảnh sát, hải quan, y tế. Có thể nói rằng đến khoảng những năm 1933-1935 cảng Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh đi vào hoạt động và phát triển. Tuy vậy, cho đến lúc chế độ thuộc địa bị sụp đổ, hải cảng đứng hạng thứ ba của Đông Dương (sau Sài Gòn và Hải Phòng) này vẫn chưa có được một quy chế hoạt động như nhiều bến cảng khác.
Một vài con số dới đây phản ánh phần nào hoạt động của cảng.
Năm 1908, Đà Nẵng xuất 12.500 tấn gồm 6.200 tấn gạo và 6.300 tấn bắp.
Năm 1909:
Nhập từ | Trọng lượng nhập | Xuất từ Đà Nẵng sang |
Pháp | 2.814,814 tấn | 11.427,076 tấn |
Ngoại quốc | 3.542,141 tấn | 19.505,382 tấn |
Bắc Kỳ | 4.103,754 tấn | 3.407,835 tấn |
Nam Kỳ | 835.505 tấn | 5.206,420 tấn |
Các xứ khác | 16.295,502 tấn | 7.532,007 tấn |
Cộng | 27.591,716 tấn | 47.198,720 tấn |
Năm 1937 con số nhập cảng là 52.490 tấn và năm 1939 do chiến tranh thế giới bùng nổ; con số này sụt xuống còn 24.136,3 tấn.
Ngoài đường bộ, đường sắt, đường biển, Đà Nẵng cũng là thành phố sớm có đường hàng không. Năm 1913, nhằm diễu võ dương oai với dân bản xứ vừa trải qua một cao trào đấu tranh chống thuế dữ dội, thực dân Pháp điều viên phi công Marc Pourpe lái một chiếc máy bay đến biểu diễn tại Lầu Đèn (nay là đường Trần Cao Vân bên bãi biển Thanh Bình) ngày 6.8.1913, nhưng phải tới năm 1926 một sân bay dân dụng mới được xây dựng tại Đà Nẵng.
Toàn bộ mạng lưới giao thông ở Đà Nẵng đã khẳng định vị thế thành phố này đối với đời sống kinh tế của khu vực. Hầu như các công ty lớn nhất hoạt động ở Đông Dương đều có mặt trên thành phố này. Thí dụ: về hàng hải có Messageues Maritimes, Charges Réuni Compagnie Côtière de l'Annam; về tài chính có ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine), Dầu khí có Standardoil, Công ty dầu hỏa Pháp Á (Compagnie franco asiatile des pétroles); về khai mỏ thì ngoài Công ty Pháp than đá Đà Nẵng (Société francaise des Houillères de Tourane) chuyên khai thác mỏ Nông Sơn còn Brigard, Công ty khai thác vàng Bồng Miêu; về kinh doanh xuất nhập khẩu có Poinsard Veyret, Sociéé Bogaert, Le Roy v.v...; về cơ khí có Ryckeslynck; về vận chuyển có Union Commerciale Indochinoise, Sacric; về bảo hiểm có Speidel; về đồ gỗ có Pommier v.v...
Trên các lĩnh vực dịch vụ đô thị có thể kể đến Morin frères kinh doanh khách sạn, chiếu bóng, café và thực phẩm; báo chí có tờ Le Pays d'Annam (Xứ An Nam) ; giải trí câu lạc bộ có Cercle de Tourane v.v...
Cùng với hoạt động của giới kinh doanh người Việt và Hoa kiều, Đà Nẵng thực sự trở thành một trung tâm kinh tế không chỉ của tỉnh Quảng Nam mà thế lực tài chính tập trung ở 3 chi nhánh Ngân hàng: Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) ra đời từ 1875 và đặt chi nhánh ở Tourane khá sớm; Ngân hàng Pháp Hoa (Banque Franco - Chinois) lập năm 1927 và Ngân hàng nông tín bình dân (Banque de Crédit populaire agticole) hoạt động từ năm 1930.
Việc khâm sứ Trung Kỳ ngay từ ngày 4.5.1897 đã thành lập Phòng Tư vấn hỗn hợp Thương mại và Canh nông Trung Kỳ đặt tại Đà Nẵng là một bằng chứng cho vị thế của Đà Nẵng, một thành phố nhượng địa của Pháp, nhưng lại là tiêu biểu cho đời sống kinh tế của xứ Trung Kỳ.

Lịch sử thành phố Đà Nẵng
Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.

Lịch sử đấu tranh cách mạng thành phố Đà Nẵng (Tiếp theo - 11)
ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH 'THÀNH PHỐ NHƯỢNG ĐỊA' CỦA THỰC DÂN PHÁP

Các tên gọi của thành phố Đà Nẵng

Lịch sử đấu tranh cách mạng thành phố Đà Nẵng (Tiếp theo - 10)
ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH 'THÀNH PHỐ NHƯỢNG ĐỊA' CỦA THỰC DÂN PHÁP
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!