Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 3/2025

Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ; 35 bệnh hiểm nghèo có thể kêu gọi tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân; Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân cấp xã; Quy định khung năng lực số cho người học; Thủ tục trả lại tiền cho bị hại từ ngày 01/3/2025…. là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 3/2025.

Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 4/2/2025 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực.

Theo đó, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, cụ thể như sau:

- Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức được hưởng phụ cấp là 561.600 đồng (tăng 204.000 đồng so với mức phụ cấp tại quy định cũ).

- Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 514.800 đồng (tăng 187.000 đồng so với mức phụ cấp tại quy định cũ).

- Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động được hưởng phụ cấp là 491.400 đồng (tăng 178.500 đồng so với mức phụ cấp tại quy định cũ)…

Nghị định số 16/2025/NĐ-CP cũng quy định mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 4.680.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp một năm phục vụ; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng một năm phục vụ.

Nghị định số 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2025.

35 bệnh hiểm nghèo có thể kêu gọi tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 50/2024/TT-BYT quy định danh mục bệnh hiểm nghèo để các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, từ ngày 1/3/2025, sẽ có  35 bệnh hiểm nghèo được cá nhân kêu gọi đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân.

Cụ thể gồm các bệnh như: viêm màng não và viêm não màng não do Listeria (mức độ nặng); nhiễm khuẩn huyết (mức độ nặng, phải sử dụng kỹ thuật như lọc máu, tim phổi nhân tạo); bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng/gây u ác tính/dẫn đến các bệnh xác định khác/bệnh lý khác (HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự chăm sóc bản thân); u ác tính (giai đoạn cuối); viêm não, viêm tủy và viêm não - tủy (mức độ nặng)…

Nhóm bệnh suy giảm miễn dịch, sa sút trí tuệ gồm: suy giảm miễn dịch kết hợp; bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline (có biến chứng nặng ở các cơ quan đích (mắt, tim, thận, mạch máu) gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, cần người giúp đỡ thường xuyên; bệnh đái tháo đường type 2 có biến chứng (có biến chứng nặng ở các cơ quan đích (mắt, tim, thận, mạch máu) gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, cần có người giúp đỡ thường xuyên); suy tuyến yên (suy đa tuyến sau phẫu thuật u tuyến yên); sa sút trí tuệ (tình trạng sa sút trí tuệ nặng, mất trí nhớ hoàn toàn, phải chăm sóc y tế liên tục, thường xuyên)…

Nhóm bệnh liên quan đến vận động gồm: bệnh bại liệt cấp (có di chứng, không có khả năng phục hồi); teo cơ do tổn thương tủy sống và hội chứng liên quan; bệnh Parkinson (bệnh Parkinson giai đoạn di chứng, phải có người chăm sóc y tế); xơ cứng rải rác (mức độ nặng, tổn thương đa cơ quan); động kinh cơn lớn, không đặc hiệu (kèm hay không có cơn nhỏ, động kinh kháng thuốc); nhược cơ (trường hợp không đáp ứng điều trị thông thường); liệt nửa người; liệt 2 chân và liệt tứ chi…

Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân cấp xã

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, nguồn kinh phí và mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

- Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, mức tối thiểu 5.000.000 đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã.

- Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ các nguồn: Kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Kinh phí tự chủ theo quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí của cơ quan nhà nước; Kinh phí từ các nguồn tài chính giao tự chủ theo quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Thông tư số 04/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 11/3/2025 và bãi bỏ Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017.

Quy định khung năng lực số cho người học

Có hiệu lực từ 11/3/2025, Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Khung năng lực số cho người học.

Theo đó, khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc.

Trong đó, miền năng lực Khai thác dữ liệu và thông tin tập trung vào khả năng tìm kiếm, lọc, đánh giá và quản lý dữ liệu thông tin, cũng như nội dung số; bao gồm các kỹ năng xã định nguồn thông tin đáng tin cậy, tổ chức dữ liệu một cách hiệu quả và sử dụng chúng để hỗ trợ ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường số.

Miền năng lực Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ số để tương tác, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm và tham gia các cộng đồng trực tuyến; bao gồm các kỹ năng như giao tiếp hiệu quả qua các kênh số, tôn trọng đa dạng văn hóa, quản lý danh tính số và thúc đẩy hợp tác trong môi trường kỹ thuật số.

Miền năng lực Sáng tạo nội dung số tập trung vào khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ nội dung số; bao gồm các kỹ năng như phát triển nội dung mới, áp dụng bản quyền và giấy phép, lập trình cơ bản và tích hợp kiến thức từ nhiều nguồn để tạo ra sản phẩm số phù hợp và sáng tạo.

Miền năng lực An toàn tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, thiết bị, sức khỏe và môi trường số; bao gồm các kỹ năng như bảo mật thông tin cá nhân, quản lý rủi ro mạng, sử dụng công nghệ số an toàn, bảo đảm sức khỏe tâm lý và thể chất khi tương tác trong môi trường số và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường kỹ thuật số.

Miền năng lực Giải quyết vấn đề tập trung vào khả năng tư duy phản biện và sáng tạo để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề trong môi trường số; bao gồm các kỹ năng như khắc phục sự cố kỹ thuật, học hỏi công nghệ mới, điều chỉnh nhu cầu số để đạt mục tiêu và sử dụng công nghệ để đổi mới hoặc giải quyết các thách thức thực tiễn.

Miền năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.

Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT cũng nêu rõ mục đích sử dụng khung năng lực số làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học; đánh giá yêu cầu, kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục; Xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người học….

Thủ tục trả lại tiền cho bị hại từ ngày 01/3/2025

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP thì thủ tục trả lại tiền cho bị hại như sau:

- Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện trả lại tiền cho bị hại và thông báo cho bị hại, bị can, bị cáo, người khác là chủ sở hữu số tiền để họ có văn bản đề nghị. Trường hợp vụ án có nhiều bị hại mà không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp cho bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nêu rõ thời hạn gửi văn bản đề nghị trả tiền;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo, nếu có văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất việc quyết định trả lại tiền cho bị hại. Cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp theo quy định tại điểm b khoản này, nếu thống nhất được thì người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ra quyết định trả lại tiền cho bị hại; trường hợp không thống nhất thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người có văn bản đề nghị biết;

- Quyết định trả lại tiền cho bị hại phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án. Quyết định trả lại tiền cho bị hại, văn bản thông báo không áp dụng biện pháp được đưa vào hồ sơ vụ án.

KHÁNH VÂN

Chính sách mới

Chính sách mới

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Thông báo lịch tiếp công dân của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trong tháng 4 năm 2025

Gửi báo giá dịch vụ chỉnh lý, số hoá hồ sơ, tài liệu lưu trữ năm 2025

Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 220 Kv Hải Châu - Ngũ Hành Sơn

Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 110kV Khuê Trung và đấu nối

Lịch tiếp công dân tháng 4/2025 của các Sở, ban, ngành

アセットパブリッシャー

ナビゲーションメニュー

ナビゲーションメニュー