Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Ngày 24-1, UBND thành phố có văn bản số 548/UBND-SNN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 09/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10-01-2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khôi phục các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch hại thực vật.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát xử lý các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành liên quan đến Nghị định 09 đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết thúc đợt thiên tai, dịch hại thực vật hoặc cuối năm, tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (đối với thiệt hại do thiên tai) kết quả thực hiện theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thẩm định, quyết định hỗ trợ, đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật đúng quy định.
Theo Nghị định số 09/2025/NĐ-CP, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu, với mức hỗ trợ từ 3.000.000 đồng/ha đến 60.000.000 đồng/ha tùy vào mức độ thiệt hại và loại hình sản xuất.
Việc hỗ trợ được thực hiện kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng và có thể bằng tiền mặt, giống cây, con hoặc hiện vật, đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung và thời điểm, cơ sở sản xuất sẽ nhận mức hỗ trợ cao nhất.
Đối tượng được hưởng chính sách bao gồm cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.
Nghị định quy định rõ mức hỗ trợ đối với từng loại thiệt hại. Đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng, mức hỗ trợ dao động từ 3.000.000 đồng/ha đến 10.000.000 đồng/ha, tùy theo thời điểm sau gieo trồng và tỷ lệ thiệt hại. Với cây trồng lâu năm, mức hỗ trợ từ 6.000.000 đồng/ha đến 30.000.000 đồng/ha, trong đó vườn cây đầu dòng và cây giống có mức hỗ trợ cao nhất lên đến 60.000.000 đồng/ha.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng bị thiệt hại trên 70% có mức hỗ trợ từ 8.000.000 đồng/ha đến 20.000.000 đồng/ha, tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây giống ươm trong vườn được chia theo nhóm sinh trưởng nhanh hoặc chậm, với mức hỗ trợ lần lượt là 40.000.000 đồng/ha và 60.000.000 đồng/ha nếu thiệt hại trên 70%.
Lĩnh vực thủy sản cũng được hỗ trợ theo phương thức nuôi trồng. Nuôi trồng thủy sản trong ao theo hình thức bán thâm canh hoặc thâm canh bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha, trong khi nuôi trong bể, lồng bè được hỗ trợ 30.000.000 đồng/100 m³. Các hình thức nuôi khác nhận mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
Với chăn nuôi, mức hỗ trợ phụ thuộc vào từng loại vật nuôi và độ tuổi. Gia cầm dưới 28 ngày tuổi được hỗ trợ từ 15.000 đồng/con đến 30.000 đồng/con, trên 28 ngày tuổi nhận mức từ 31.000 đồng/con đến 45.000 đồng/con. Lợn từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/con, lợn nái và lợn đực khai thác là 3.000.000 đồng/con. Đối với trâu, bò, ngựa, mức hỗ trợ dao động từ 1.500.000 đồng/con đến 12.000.000 đồng/con tùy theo độ tuổi và mục đích sử dụng.
Hoạt động sản xuất muối chịu ảnh hưởng thiên tai cũng được hỗ trợ từ 3.000.000 đồng/ha đến 4.000.000 đồng/ha. Trường hợp hỗ trợ bằng giống cây, con hoặc hiện vật, giá trị hỗ trợ sẽ được quy đổi tương đương với mức hỗ trợ bằng tiền tại thời điểm thực hiện chính sách.
NGUYỆT ÁNH
Khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2025
Chiều 22-4, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng 2025 với chủ đề “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”. Ngày hội mang ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, đồng thời góp phần tôn vinh những giá trị bền vững mà văn hóa đọc đem lại cho xã hội.

Lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Ngày 23-4, UBND thành phố ban hành Công văn số 2394/UBND-SNV về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng có 12 phường, 03 xã và 01 đặc khu sau khi sắp xếp lại.
Thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân giữa Đà Nẵng và Hoa Kỳ
Chiều 23-4, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung chủ trì buổi tiếp ông Frank Joyce – Trưởng đoàn Hội đồng Quốc gia Người cao tuổi Hoa Kỳ, cùng đại diện Quỹ Hòa giải và Phát triển, nhân dịp đoàn đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng và tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm và đảm bảo an toàn thực phẩm
Sáng 23-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2025. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn chủ trì hội nghị.

Rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại Công văn số 2339/UBND-STP ban hành ngày 21/4/2025.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!