Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2025
Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo; Thay đổi khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông; Sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 3/2025.
Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo đối với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đồng thời, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thì sẽ bị Bộ Công Thương xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu.
Ngoài ra, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương ban hành và gửi đến thương nhân bị thu hồi, Tổng cục Hải quan, Sở Công Thương địa phương liên quan đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam để biết và thực hiện.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành. Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Thay đổi khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 10/2025/NĐ-CP ngày 11/1/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Theo đó, từ ngày 1/3/2025, Nghị định số 10/2025/NĐ-CP quy định giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có nội dung về thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trong ngày, từ 5 giờ đến 19 giờ; quy định về thời gian khai thác trong năm. Khung thời gian khai thác theo quy định cũ tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP là từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm.
Nghị định số 10/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ, căn cứ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian khai thác cụ thể đối với từng giấy phép, hồ sơ đăng ký nhưng không vượt quá khung thời gian quy định nêu trên.
Đồng thời, Nghị định số 10/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Theo đó, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi phải nằm trong phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Nghị định số 10/2025/NĐ-CP giao UBND cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Sửa đổi quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Từ ngày 27/3/2025, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được thực hiện theo Nghị định số 20/2025/NĐ-CP ngày 10/2/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020.
Theo đó, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về các bên có quan hệ liên kết như sau:
Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Nghị định số 20/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ quy định trên không áp dụng với các trường hợp sau:
- Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định tại các điểm a,c,đ,e,g,k,l và m khoản 2 Điều 5.
- Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định tại các điểm b, e và i khoản 2 Điều 5.
Nghị định số 20/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp các bên liên kết là tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Ngoài các quy định trên, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước phải phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan thuế đề nghị.
Nghị định số 20/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
Theo đó, việc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán giấy tờ có giá khi quy định của pháp luật cho phép và được quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp (sau đây gọi là Giấy phép) như sau:
+ Tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng quy định tại điểm b khoản này), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán giấy tờ có giá khác; được mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước khi Giấy phép có nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
+ Công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành trong nước.
- Bên mua, Bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.
- Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam.
- Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi; Bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang được chiết khấu, tái chiết khấu.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính chuyên ngành) mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản khác hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-NHNN.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 12/2021/TT-NHNN đến ngày đến hạn thanh toán hết gốc, lãi của giấy tờ có giá đó.
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.
- Đối với giấy tờ có giá do công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành phát hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán với tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Thông tư số 59/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2025.
KHÁNH VÂN
Đánh giá bài viết:
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Chính sách mới

Thông báo lịch tiếp công dân của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trong tháng 4 năm 2025

Gửi báo giá dịch vụ chỉnh lý, số hoá hồ sơ, tài liệu lưu trữ năm 2025

Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đường dây 220 Kv Hải Châu - Ngũ Hành Sơn

Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 110kV Khuê Trung và đấu nối

Lịch tiếp công dân tháng 4/2025 của các Sở, ban, ngành
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!