Chợ Hàn xưa và nay

Trong "Thiên Nam tứ lộ đồ thư" được lập vào thế kỷ XVII, ghi rõ lộ trình từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam như: "Ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng (tức chợ Hàn), trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An...".

Tuy vậy, cho đến khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp và được đặt tên thành Tourane vào cuối thế kỷ 19, thì chợ Hàn mới bắt đầu được người Pháp xây dựng kiên cố với các đình chợ và kios để bán cho các hộ tiểu thương.

 

Hàng hóa buôn bán ở chợ Hàn thời Pháp thuộc, được chia làm hai khu vực, khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ nằm dọc hai bên chợ Hàn, chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực với quy mô lớn. Tại đây, tập trung những cửa hàng, cửa hiệu độc lập của tư nhân người Hoa và một ít của người Việt. Các cửa hàng, cửa hiệu được xây dựng bằng gạch và chỉ cao một tầng, đằng trước để bày bán tất cả mọi loại hàng hóa, phía sau dùng làm kho hàng. Bên cạnh đó, người Pháp cũng đã cho xây dựng ga xe lửa trung chuyển Tourane marché để cho chuyên chở hàng hóa đến ga chính trên bờ sông Hàn, mà dấu tích của một ga cũ vẫn còn tồn tại cho đến đầu những năm 90, thế kỷ 20.

Có thể nói chợ Hàn là nơi thuận tiện về giao thông đường bộ và đường thủy, lại được người Pháp chú trọng đầu tư nên đã có chiều dài lịch sử khá phát triển. Hàng hóa ngày ấy đến chợ theo đường bộ và đường thủy, đến những năm 90, một số hàng nông sản vẫn được người dân vận chuyển ra chợ Hàn bằng đường thủy và lên bờ tại vị trí ga đường sắt cũ.

 

Ngày nay, chợ Hàn tọa lạc ngay trung tâm thành phố, gần cầu quay Sông Hàn, bốn mặt tiếp giáp bốn đường phố lớn: Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Chợ Hàn là địa chỉ mua sắm lớn, quen thuộc không chỉ với người dân mà còn cả du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng. 

Ngày trước, người Đà Nẵng vẫn thường hay gọi chợ Hàn là “chợ nhà giàu” vì khách mua thường là những người thuộc giới thượng lưu. Nhưng ngày nay, chẳng còn mấy ai nhớ đến tên gọi đó, bởi chợ đã thay đổi nhiều,  buôn bán tấp nập, hàng hóa phong phú dành cho mọi đối tượng với giá cả phải chăng và cũng là một chợ đầu mối quan trọng cung cấp cho các chợ nhỏ lẻ lân cận.

Qua thời gian cùng với nhu cầu phát triển, năm 1989, chợ Hàn được xây mới hoàn toàn với hai tầng khang trang trên nền diện tích 28 ngàn m². Kiến trúc chợ đẹp và thoáng cùng cách bố trí các gian hàng đi theo ngành hàng một cách gọn gàng, ngăn nắp tạo thuận lợi cho người tham quan, mua sắm. Hiện chợ có 3 đình và các khu vực bố trí kios với 344 hộ kinh doanh.

Chợ tấp nập suốt cả ngày, từ sáng sớm tinh mơ cho đến xẩm tối. Hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ, xe du lịch tấp nập đổ khách xuống tham quan, mua sắm. Cả khu vực chợ là một khung cảnh mua bán sôi động nhưng vẫn đảm bảo trật tự, ngăn nắp, rất ít tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi mua bán.

Chợ Hàn bày bán rất đa dạng các mặt hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, vải vóc đến quà lưu niệm …Đặc biệt, chợ nổi tiếng với thực phẩm, hải sản tươi sống, trái cây và các loại mắm, hàng khô đặc trưng của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung được du khách rất ưu thích lựa chọn. Đến với chợ Hàn, người dân và du khách có thể yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an ninh thương mại.

Về đêm chợ Hàn yên ắng, trầm mặc bên bờ sông Hàn, chỉ một góc ngã tư Trần Phú – Nguyễn Thái Học còn sáng đèn từ các quầy trái cây phục vụ du khách và người dân thành phố đi dạo phố về đêm.

Có ý kiến cho rằng, để tìm hiểu một vùng đất mới cách nhanh nhất là hòa mình vào không khí tại khu chợ đặc trưng của nơi đó. Phải chăng vì thế mà những năm gần đây dù nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm lớn được đầu tư xây dựng nhưng những khu chợ như chợ Cồn, chợ Hàn không mất đi sức hấp dẫn của mình trên bản đồ mua sắm thành phố. Đến chợ, người ta không chỉ được mua sắm, lựa chọn những món hàng ưng ý mà còn được giao lưu, trò chuyện đồng thời trải nghiệm cuộc sống thường ngày mang nét đặc trưng của địa phương.

CẨM NHUNG

Công trình công cộng

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Cầu Sông Hàn- niềm tự hào của người dân Đà Nẵng

Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã khởi công xây dựng cầu Sông Hàn – một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó. Đây không chỉ là công trình chào mừng thiên niên kỷ thứ ba mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Nơi giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa quê hương

Cùng với những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, người dân Đà Nẵng cũng luôn ý thức được được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của địa phương, của dân tộc. Việc Đà Nẵng đầu tư xây dựng một nhà hát tuồng quy mô, bài bản, chuyên nghiệp ngay giữa lòng thành phố chính là một minh chứng cho tinh thần đó.

Công viên 29-3 – Lá phổi xanh quý giá của thành phố

Công viên 29/3 trước năm 1975 được xem như khu vực bãi rác trung tâm của cả thành phố. Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên thành phố đã phát động chiến dịch dọn bãi rác xây dựng công viên. Trên bãi rác khổng lồ ngày ấy, từng nhát cuốc của đoàn viên thanh niên phát đến đâu, từng mầm xanh được gieo xuống và đã không ngừng nảy nở, sinh sôi, vươn lên giữa hoang tàn, làm nên một không gian xanh công cộng giữa lòng thành phố ngày nay.

Nhà hát Trưng Vương trong lòng người Đà Nẵng

Có lẽ bất kỳ người dân Đà Nẵng nào khi được hỏi về các địa điểm quen thuộc, gắn liền với thành phố từ nhiều năm qua sẽ không ngần ngại kể tên các điểm như chợ Cồn, chợ Hàn hay nhà hát Trưng Vương. Bởi đây là những hình ảnh hết sức gần gũi, thân thuộc với người dân thành phố. Trong số đó, nhà hát Trưng Vương đối với người Đà Nẵng là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật lâu đời, gắn liền với sự phát triển của thành phố qua nhiều giai đoạn.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm - lưu giữ cả một quá khứ vàng son

Tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương, bên bờ sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là niềm tự hào của người dân thành phố, là nơi tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Đà Nẵng.

アセットパブリッシャー

ナビゲーションメニュー

ナビゲーションメニュー