Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 1: Những con đường ý Đảng, lòng dân
21:17 14/08/2024, Lượt xem: 106
Người người, nhà nhà cùng hiến đất, từ đó, nhiều con đường của “Ý Đảng, lòng dân” được “khoác áo mới”, sạch đẹp, khang trang hơn trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân. Những con đường rộng mở, từng bước đổi thay những vùng đất, đem đến cuộc sống ngày một tốt hơn cho người dân.
Đến bây giờ, nhiều người dân ở dọc tuyến đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) vẫn cứ ngỡ ngàng về con đường phía trước nhà mình. Từ một tuyến đường chiều rộng chưa đầy 2m có từ trước năm 1975 với chi chít “ổ voi, ổ gà”, trơn trượt, lầy lội khó đi khiến người dân sinh sống xung quanh tự đặt tên “con đường đau khổ” đến con đường khang trang, rộng mở như hôm nay là cả hành trình dài mà người dân nơi đây “mòn mỏi” chờ đợi gần 40 năm.
Ngược dòng thời gian về lại thời điểm cuối năm 2014, lúc đấy với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, Đảng bộ, chính quyền quận Cẩm Lệ, chủ trương mở rộng tuyến đường gom bắt đầu được thông qua và triển khai thực hiện với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Ngay khi có chủ trương, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng đường giao thông và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Ông Lê Văn Hùng (80 tuổi), người dân tổ 6, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ cho biết, trước đây, con đường này chưa đầy 2m, xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị bong tróc làm lộ nền đá lởm chởm rất nguy hiểm. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường thì bà con đồng tình ủng hộ.
“Đất đai là tài sản vô cùng quý giá, đúng với câu nói “tấc đất tấc vàng”. Tuy nhiên, khi nghe tin dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường chưa đầy 2m lên đến 5,5 m, gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 31 m2 đất để làm đường. Tôi còn tích cực tham gia vận động bà con trong tổ tham gia hiến đất, giúp địa phương có mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai sớm việc thi công”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Đối với ông Hùng, việc mở rộng, nâng cấp đường giao thông là rất tốt, không những thuận lợi cho gia đình mà còn cả cho đời con cháu nữa.
Nhớ lại con đường dẫn vào nhà mình trước đây, ông Phan Thanh Tân (80 tuổi), người dân tổ 6, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ không dám chạy xe nhanh vì đoạn đường chưa đầy 2m nhưng mặt đường nham nhở, không khác gì những cái bẫy giao thông.
Theo ông Tân, từ khi nghe chính quyền địa phương vận động làm đường, bà con sống ở đây ai cũng vui mừng và đồng ý hiến đất. Riêng nhà ông đã hiến 30 m2 đất để làm đường. Giờ đây, nhìn đường sá mở rộng, lại có vỉa hè, ai cũng phấn khởi.
“Hiến đất làm đường thì người dân được rất nhiều lợi ích, nhất là phát triển kinh tế, đường rộng mở thì phương tiện tham gia giao thông dễ lưu thông hàng hóa, còn đường nhỏ hẹp thì đi lại rất khó khăn sẽ vô tình kìm hãm kinh tế phát triển. Nhận thức được việc đường được mở mang, đi lại dễ dàng, đời sống người dân sẽ đổi thay, vì vậy, bà con chúng tôi đều nhất trí cao tự nguyện hiến đất”, ông Tân chia sẻ.
Dự án đường gom dọc đường sắt đi qua các phường Hòa An, Hòa Phát và Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) được phê duyệt từ cuối năm 2014, có chiều dài hơn 5,5km, tổng mức đầu tư 144,7 tỷ đồng.
Với sự đồng lòng, chung tay của người dân cùng chính quyền địa phương, tuyến đường nay đã được trải nhựa láng o, vỉa hè được lát gạch sạch sẽ, cả tuyến đường bừng sáng, giao thông của người dân trong khu vực được thuận lợi.
Xác định phát triển mạng lưới giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, chủ trương làm đường giao thông nông thôn ở huyện Hòa Vang đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, để từ đó hình thành những con đường mới, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới ở vùng nông thôn.
Hưởng ứng phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn, gia đình ông Đinh Văn Nhượng, trú tổ dân cư số 3, thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang đã tự nguyện đập bỏ toàn bộ bờ rào để hiến hơn 37 m2 đất với mong muốn góp phần làm cho diện mạo của thôn thêm khởi sắc.
“Con đường đi qua nhà tôi có độ dốc khá cao, chiều rộng chỉ 3m, nhiều khúc cua, tiềm ẩn tai nạn giao thông nhất là vào ban đêm. Mong muốn của bà con là mở rộng con đường nhưng ngặt nỗi Hòa Nhơn còn quá nhiều con đường cần phải đầu tư nâng cấp mở rộng. Khi hay tin thôn có chủ trương mở rộng con đường theo hướng xã hội hóa, tôi sẵn sàng phá dỡ toàn bộ bờ rào để mở rộng con đường theo tiêu chuẩn mới”, ông Nhượng chia sẻ.
Ông Bùi Trúc, Trưởng thôn Phú Hoà 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cho biết, nhờ chính quyền địa phương vận động, người dân hưởng ứng chủ trương làm đường giao thông theo hướng đô thị với bề rộng hơn 4m mà giờ đây tuyến đường đã trở nên rộng rãi, khang trang hơn rất nhiều, việc di chuyển của người dân cũng thuận tiện hơn.
Theo thống kê của UBND huyện Hòa Vang, tổng chiều dài hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện nay khoảng hơn 1.000 km. Trong đó, đường giao thông trong các khu dân cư được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch với chiều dài 128km.
Đối với các tuyến đường xã, trục chính thôn có chiều dài 154km được đầu tư mặt đường 5,5m, lề mỗi bên 0,75m. Đường kiệt, hẻm với 625km, mặt đường từ 2m đến 4m theo hình thức nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân tổ chức thi công, không có hệ thống thoát nước. Ngoài ra, địa phương còn có 8km đường cao tốc, 57km đường quốc lộ, 75km đường tỉnh, 64km đường huyện.
Trong năm 2023, Nhân dân trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đồng tình, hưởng ứng cao chủ trương hiến đất xây dựng 13 tuyến đường cấp đô thị theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang giao cho UBND các xã chủ động rà soát các tuyến đường hiện trạng có bề rộng mặt đường dưới 5,5m (tối thiểu 2 tuyến) để đầu tư, nâng cấp mở rộng lên tối thiểu 7,5m hoặc đề xuất đầu tư mới tuyến đường có bề rộng tối thiểu mặt đường 7,5m theo hướng đô thị, ưu tiên hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Nhờ làm tốt “Dân vận khéo”, trong 10 năm qua, nhân dân Hòa Vang đã đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất, phá dỡ tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc để mở rộng 478,417 km đường giao thông kiệt hẻm, hiến 178.000 m2 đất với hơn 21.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh đô thị hoá hiện nay giá trị đất đai càng tăng cao, nhưng người dân cùng sẻ chia, đồng hành, chịu thiệt thòi để hiến đất phục vụ lợi ích cộng đồng lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Những con đường ý Đảng lòng dân ở Cẩm Lệ và Hòa Vang là minh chứng cụ thể của sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và người dân, là lời khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 2: Lợi ích hài hoà: https://danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=60302&_c=3
HOÀNG PHAN - THANH HẢI - QUỐC LÀNH