Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 4: Sức mạnh từ công tác dân vận ở Đà Nẵng

07:28 23/08/2024, Lượt xem: 167

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, phong trào này đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn thành phố triển khai hiệu quả. Nhờ đó, nhiều mô hình, hoạt động dân vận ở các lĩnh vực thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

 

 

Xác định “Dân vận khéo” là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, phong trào “Dân vận khéo” là sự đổi mới về phương thức hoạt động của công tác dân vận, trong nhiều năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị chú trọng triển khai phong trào rộng khắp trên toàn thành phố, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Đến tháng 6-2024, qua thống kê, các quận uỷ, huyện uỷ đã xây dựng được 482 mô hình trên các lĩnh vực hoạt động; Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội và các hội quần chúng đã triển khai thực hiện 107 mô hình; các sở, ngành khối lực lượng vũ trang, đảng uỷ trực thuộc đã xây dựng 89 mô hình. Trong đó, có 16 mô hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực đời sống được Ban Dân vận Thành ủy chọn nhân rộng trên toàn thành phố.

Nổi bật là các mô hình “Mẹ đỡ đầu”; “Chúng con luôn bên mẹ”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Tổ Công nhân tự quản khu nhà trọ”; “Tổ Công nghệ số cộng đồng”; “Dân vận khéo trong công tác di dời giải tỏa”; “Khu dân cư an toàn”, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”; “10 ngàn – vạn yêu thương”; “Khu dân cư văn hoá, văn minh sống tốt đời đẹp đạo”;…

Các mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, qua đó nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Trần Viết Phương cho biết, trên cơ sở thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 31-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030, ngay từ đầu năm 2024, Ban Dân vận Thành ủy đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, xã, phường tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU.

Đồng thời, tập trung xây dựng, giới thiệu các mô hình “Dân vận khéo” ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; nhân rộng những mô hình nổi bật, tiêu biểu, có hiệu quả gắn với thực tiễn quản lý, có sức lan tỏa trong xã hội và Nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 22 cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU năm 2024 và thông tin về Ban Dân vận Thành ủy.

Tính đến nay, đã có 269 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực chính trị - xã hội đăng ký thực hiện và nhân rộng. Nhiều cấp ủy địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo việc tổ chức tuyên truyền, phát động, hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có sự chủ động trong công tác triển khai nhân rộng 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu theo Đề án số 04-ĐA/TU. 6 tháng đầu năm 2024, các mô hình đạt được một số kết quả nhất định.

Đơn cử như, mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ”, qua công tác chỉ đạo, triển khai và vận động tích cực của Liên đoàn Lao động thành phố, đến nay, đã thành lập thêm 2 Tổ “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ”.

Hay như mô hình “Tổ Công nghệ số cộng đồng” nhằm hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thiết lập mỗi người dân một tài khoản dịch vụ công trực tuyến; tổ chức tiển khai mỗi người dân, hộ dân, hộ kinh doanh có 1 mã QR nhận chuyển tiền;…được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 100% đến các quận, huyện, phường xã. Đến nay, toàn thành phố có 2.531 “Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06” (tăng 107 tổ so với thời điểm cuối năm 2023).

Mô hình “Chúng con luôn bên Mẹ” được duy trì thường xuyên 2 tháng 1 lần tại nhà của 98 Mẹ Việt Nam anh hùng đang sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; các đơn vị đoàn trực thuộc tổ chức thăm khám sức khỏe cho Mẹ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lau chùi bàn thờ Liệt sĩ, thăm hỏi, trò chuyện, nấu bữa cơm và dùng cơm với Mẹ, sửa chữa, mua sắm những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của Mẹ.

Với mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, Hội LHPN thành phố đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội hỗ trợ gần 1.000 ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, bằng nhiều hình thức như: tư vấn, giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng buôn bán, kinh doanh; tìm đầu ra cho các sản phẩm; tín chấp hỗ trợ vốn vay qua kênh của Hội; kết nối hỗ trợ các ý tưởng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký OCOP, tham gia các Hội chợ, xúc tiến thương mại...

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Trần Viết Phương. trong thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy sẽ tiếp tục theo dõi công tác triển khai, nhân rộng 16 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.

Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Vận động xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Từ thực tiễn tại Đà Nẵng cho thấy, công tác dân vận chính quyền luôn gắn liền quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các tổ chức, Nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy, hằng năm, trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp chủ động tham mưu cấp uỷ cùng cấp ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện công tác dân vận.

Cụ thể, cấp ủy các địa phương hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát với nhiều nội dung lồng ghép trong đó có kiểm tra, giám sát công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Nội dung Nhân dân bàn và quyết định ở cơ sở được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát huy chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của chính quyền.

UBND các phường, xã đã thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp để Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định

Đặc biệt, trong thời gian thành phố thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thì việc phát huy dân chủ ở cơ sở đã trở thành nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương. Theo đó, công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và ý thức, trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên.

Theo ông Ngô Văn Tình (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), lần gần đây nhất, ông đến bộ phận “một cửa” tại địa phương làm thủ tục hành chính khai sinh cho con, bản thân ông không rõ lắm thủ tục này cần gì và sau đó được cán bộ “một cửa” hướng dẫn thực hiện thủ tục nhanh chóng. Đến nay, con ông đã có giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ luôn việc nhập khẩu.

"Khác với trước đây, nay thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình, chu đáo, sẵn sàng giải đáp các vướng mắc của tôi một cách nhẹ nhàng. Bản thân tôi và nhiều người dân trên địa bàn phường cũng nhận thấy sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương", ông Tình chia sẻ.

Ngoài việc thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, việc lấy ý kiến Nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được UBND các quận, huyện, phường, xã thực hiện theo trình tự các bước như chuẩn bị dự thảo, xây dựng kế hoạch, xác định thời gian, nội dung lấy ý kiến; tổ chức thông báo công khai để Nhân dân biết các nội dung,…Nhờ vậy, nhiều ý kiến của Nhân dân tham gia hiến kế, đề xuất đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân được người đứng đầu các phường, xã quan tâm. Ngoài đối thoại định kỳ, lãnh đạo các địa phương còn có các cuộc đối thoại đột xuất để lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nhiều thay đổi, nhất là sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực (từ ngày 01/7/2023). Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thành lập 46 Ban, với 253 thành viên; tổ chức 73 cuộc giám sát các công trình, dự án, qua đó phát hiện có 2 công trình, dự án phát hiện vi phạm thiếu sót, kiến nghị trực tiếp để chủ đầu tư khắc phục, giải quyết.

Các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án.

Thông qua công tác dân vận và việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất, đã tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân khi triển khai dự án, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã thành lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các đơn vị: Đảng ủy Đại học Đà Nẵng, Tòa án nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Ngũ Hành Sơn và các tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc.

Đồng thời, ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU gắn với tăng cường công tác dân vận chính quyền, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính nhà nước tại UBND quận Cẩm Lệ, Sở Tài nguyên và Môi Trường.

Có thể khẳng định rằng, kết quả công tác dân vận thời gian qua trên địa bàn thành phố chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, sức mạnh của Nhân dân, qua đó, nhiều vấn đề tồn đọng được giải quyết thấu đáo, củng cố, nâng cao niềm tin trong Nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

HOÀNG PHAN - THANH HẢI

アセットパブリッシャー

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 1: Những con đường ý Đảng, lòng dân
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 2: Lợi ích hài hoà
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 3: Đong đầy yêu thương
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công - Kỳ 4: Sức mạnh từ công tác dân vận ở Đà Nẵng
Trang
của kết quả

アセットパブリッシャー

アセットパブリッシャー

LIÊN KẾT WEBSITE

ナビゲーションメニュー

ナビゲーションメニュー

ナビゲーションメニュー