ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH 'THÀNH PHỐ NHƯỢNG ĐỊA' CỦA THỰC DÂN PHÁP
'Tourane' thành phố nhượng địa
Mô hình tổ chức đô thị được thể hiện rất rõ ở thành phố Đà Nẵng. Hệ thống quan thuế áp dụng ở đây đều theo các định chế như của Sài Gòn. Trên lĩnh vực pháp luật, nếu như ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn có một Tòa sơ thẩm ngoại hạng thì ở Đà Nẵng, Mỹ Tho, Vĩnh Long... có Tòa sơ thẩm hạng nhất (Tribunal de ler instance) nhưng riêng ở Đà Nẵng tổ chức nội bộ là giống như Tòa án của thành phố Hải phòng; các vụ án được xét xử bằng Bộ luật của chính quốc đối với người có quốc tịch (hay vào làng Pháp)... Tòa án của thành phố Đà Nẵng còn được mở rộng địa bàn xét xử từ Quảng Trị đến Quảng Nam.
Trên mặt bằng được ấn định và mở rộng như vậy, thành phố Đà Nẵng dần dần được hình thành. Các công trình hạ tầng, các công sở và khu dân cư cùng các công trình công cộng được thiết lập theo một quy hoạch đô thị lấy trục chính chạy dọc Sông Hàn, đường Courbet (Quai Courbet) nay là đường Bạch Đằng và trung tâm là Tòa nhà Đốc lý nhìn thẳng ra Sông Hàn và vịnh. Các nhà thiết kế thực dân đã phát triển thành phố về phía tây bởi những con đường trục chạy song song với Quai Courbet và các đường phố cắt ngang vuông góc với sông Hàn. Có thể kể mấy trục chính (kể từ đông sang tây), đại lộ Jules Ferry + Avenue de Musée (nay là Trần Phú), Marc Pourpe + Francis Garnier (nay là Phan Chu Trinh + Lê Lợi)...Đó cũng chính là khu phố Tây (quartier Francais), phần còn lại về phía tây là khu phố bản xứ (quartier indigène). Tên gọi các đường phố của Đà Nẵng lần đầu được ấn định bằng nghị định ngày 24.12.1902, chủ yếu là tên các chính khách và danh nhân Pháp hoặc tên các xứ có liên quan đến thuộc địa (Albert Delyne, Général Galliéni, Chaiglleau, Pétain, Clémenceau, Verdun, Hanoi, Cambodge, Laos...) chỉ có tên một vài nhà vua triều Nguyễn như Gia Long, Đồng Khánh. Trong thành phố nhiều địa danh mới như khu Ngã Năm, khu Lầu Đèn, bến Bà Quảng Triều Hưng, khu Chuồng Bò... Thay thế cho những tên gọi cũ như xứ Trẹm, xứ Giếng Bộng, xứ Rẫy Cu, xứ Bàu Lác v.v...
Trên các khu phố Tây, các công sở lần lượt được xây dựng, và các khu dân cư cũng hình thành trên nền đất của những làng xã cũ, chủ yếu trên địa bàn đã được ấn định từ 1888 (ví dụ: theo thống kê từ 1923 đến 1929 có 210 ngôi nhà được xây cất).
Cùng với sự ra đời của một đô thị mang tính chất hiện đại theo quy hoạch và kiến trúc phương Tây, các thiết bị công cộng cũng được xây dựng.
Cho đến giữa năm 1922, cư dân thành phố Đà Nẵng vẫn còn phải sử dụng nguồn thắp sáng bằng đèn dầu hoặc đèn khí (carbure); việc thắp sáng công cộng trên đường phố dọc Tòa đốc lý giao cho nhà thầu. Dầu và khí thắp của Đà Nẵng chủ yếu do công ty SOCONY và Campagne France Annamite nhập cảng và phân phối. Phải đến tháng 7.1922 ánh sáng đèn điện và nguồn năng lượng điện mới được thắp sáng ở Đà Nẵng và do SIPEA (Société Industrielle pour les Eau et Electricité en Asie) đảm nhận.
SIPEA như tên gọi là Công ty kỹ nghệ cung cấp Nước và Điện ở Á Châu đã không thành công trong việc xây dựng hệ thống cấp nước cho thành phố. Cho đến đầu những năm 50, việc cung cấp nước vẫn do các gia đình hay công sở tự lo liệu bằng các giếng nước hoặc các loại máy bơm.
Cùng với nhà dây thép (cơ quan bưu điện của thành phố) được xây dựng năm 1907, còn phải kể đến các công trình khác như nhà thương, nhà lao (xây 1910 ở khu vực ngã tư Hùng Vương và Lê Lợi nay là trung tâm thành phố) đến 1950 mới phá bỏ di chuyển nơi khác, trại lính sen đầm, các trụ sở và kho tàng của các công ty kinh doanh như chi nhánh của Socony, hãng Descours Cabaud, CARIC, Hãng dầu, Hãng vận tải đường bộ STACA, Công ty điện nước SIPEA, các chợ Hàn, An Hải, Thanh Khê, nhà Tế sinh...
Về giáo dục, cả thành phố chỉ có trường tiểu học, muốn học cao hơn phải ra Huế hoặc xa hơn là Hà Nội, Sài Gòn, mãi đến những năm 40 mới có trường tư thục. Các trường học chính của Đà Nẵng gồm: Trường con trai (nay là Kim Đồng), trường con gái (nay là Phù Đổng) và Trường Pháp nay là trường Phan Châu Trinh.
Giao thông công cộng nội thành chủ yếu là xe tay hay còn gọi là xe cao su bổ sung cho xe đạp và xe ô tô của tư nhân ngày một tăng. Hoạt động thể thao sôi nổi từ những năm 20, 30 so với đội bóng đá tiêu biểu của thành phố: 'Sport Touranais', phải đến những năm 40 thì thành phố mới có sân vận động tương đối đàng hoàng (nay là sân Chi Lăng).
Sự mở rộng lãnh thổ, việc tổ chức đô thị cũng như các hoạt động kinh tế của Đà Nẵng đã thu hút ngày càng đông và dần hình thành các tầng lớp cư dân đô thị.
Những số liệu thống kê vào những năm 20 cho biết thành phần cư dân của thành phố Đà Nẵng thường xuyên có trên dưới 400 người Âu, trên 500 Hoa kiều, một số ít Ấn, Đức Nhật kiều được phân chia thành 1 tổng 20 làng, có số cử tri (nam) trên dưới 2000 trên tổng cộng khoảng trên dưới 20.000 người.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!