Cầu Sông Hàn- niềm tự hào của người dân Đà Nẵng

Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã khởi công xây dựng cầu Sông Hàn – một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó. Đây không chỉ là công trình chào mừng thiên niên kỷ thứ ba mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.

Sau ngày giải phóng, thành phố chỉ có duy nhất cây cầu Nguyễn Văn Trỗi do Mỹ xây dựng trong chiến tranh phục vụ giao thông đi lại của người dân. Muốn sang trung tâm thành phố, người dân quận ba (quận Sơn Trà bây giờ) phải di chuyển bằng phà. Chiếc phà nhỏ chuyên chở bao niềm mong mỏi về một cây cầu nối liền khu trung tâm với vùng đất còn nghèo khó phía đông thành phố.

Để thực hiện ý nguyện từ bao đời của người dân, chính quyền thành phố cùng với sự đóng góp của nhân dân đã quyết tâm xây dựng nên cây cầu quay độc đáo. Cầu Sông Hàn được khởi công ngày 2/9/1998 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. 
 

 

Bến phà ngày xưa đã được thay thế bằng cây cầu mới xây dựng nên với sự đóng góp của người dân thành phố, điều có lẽ không mấy nơi có được. Chính vì thế, hình ảnh cây cầu sông Hàn vắt qua sông không chỉ mang vẻ đẹp hiện đại, đánh dấu sự phát triển mà còn là hiện thân cho ký ức nguyên sơ của người dân Đà Nẵng về buổi đầu gian khó của một thành phố nhỏ sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; là minh chứng cho sức mạnh đồng thuận, sức mạnh của “lòng dân”.
 
Qua thời gian, Đà Nẵng đã có những bước tiến nhanh, mạnh, thể hiện vị thế là thành phố phát triển động lực của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Du lịch Đà Nẵng cũng ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong lòng du khách thập phương. Lượng khách đến thành phố tăng đều qua các năm; bên cạnh các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố thì ngắm cầu Sông Hàn quay về đêm cũng là điều thú vị thu hút du khách.
 
 
Cầu Sông Hàn, nhìn từ trên cao, lung linh khi đêm về

Mục đích của việc xoay cầu sông Hàn là phục vụ giao thông đường thủy, khơi thông cho các tàu thuyền qua lại. Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại như cũ. Gần đây, tàu thuyền lớn không còn qua lại nữa nên việc xoay cầu đã ít đi và chủ yếu phục vụ cho công tác bảo dưỡng. Thức khuya ngắm cầu Sông Hàn quay, ngắm thành phố yên bình về đêm, người dân và du khách như tìm lại một chút tĩnh lặng trong tâm hồn. Phải chăng vì thế mà với nhiều người “chưa xem cầu Sông Hàn quay nghĩa là chưa cảm nhận hết vẻ đẹp của Đà Nẵng” ?

Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng Đà Nẵng. Ngày nay, Đà Nẵng còn được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”, với nhiều cây cầu nổi tiếng khác bắc qua sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng…nhưng có lẽ không cây cầu nào tạo được nhiều cảm xúc đối với người dân và cả du khách như cầu quay Sông Hàn- niềm tự hào của người Đà Nẵng.

CẨM NHUNG

Công trình công cộng

Đà Nẵng - những góc nhìn

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đèo Hải Vân

Được đánh giá là một trong những cung đường đèo đẹp nhất thế giới, đèo Hải Vân có độ cao 500 mét so với mực nước biển, cách thành phố Đà Nẵng 20km và cách thành phố Huế 80km. Nơi đây được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Người dân làng Nam Ô vào mùa hái ''lộc biển''

Những ngày này, người dân làng Nam Ô đang vào mùa hái "lộc biển''. Từ sáng sớm, người dân mang theo rổ, bao, vợt nhựa, miếng thiếc men theo các gành đá dọc bờ biển ở làng Nam Ô để hái mứt biển, hay còn gọi là rong biển - thứ rau từng được dùng để tiến vua.

Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng

Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng (tọa lạc tại số 2A, đường Phan Đăng Lưu, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là dự án do Công ty Jina Architects Co., Ltd. (Hàn Quốc) thiết kế trên ý tưởng trò chơi xếp hình Tangram. Công trình có quy mô 3 tầng, bao gồm các khu đa chức năng, khu vui chơi, giải trí, công viên, phòng học, phòng thể dục thể thao, thư viện, hội trường. Công trình do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư với mức vốn khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, được xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 33.000 m2, trong đó diện tích cho công trình gần 6.900 m2, còn lại là công viên, cây xanh, mặt nước, bãi giữ xe và lối đi nội bộ.

Cuộc trở về của chiếc khóa thắt lưng có hình sao 5 cánh

Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ 1 kỷ vật chiến tranh cùng câu chuyện trở về từ Mỹ đầy cảm xúc - đó là chiếc khóa thắt lưng có hình sao 5 cánh. Năm 2021 cũng là dịp tròn 10 năm kỷ vật của người lính quân giải phóng hi sinh trở về và trưng bày tại bảo tàng.

Nhộn nhịp chợ cá Mân Thái

Chợ cá của phường Mân Thái (quận Sơn Trà) nằm ven đường biển Hoàng Sa không đông đúc như các chợ cá khác trên địa bàn quận nhưng mỗi sáng vẫn tấp nập người bán kẻ mua. Chợ chỉ có khoảng hơn 10 hộ, bán các loại hải sản tươi ngon.

Xuất bản thông tin

Navigation Menu

Navigation Menu