Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 4/2025
Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học; Các trường hợp được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai từ ngày 19/4/2025; Hướng dẫn xác định nhu cầu đào tạo giáo viên và phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm; Chế độ bồi dưỡng đặc thù thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 4/2025.
Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Theo đó, Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT nêu rõ, thời gian làm việc của giáo viên được quy định dựa trên số tiết dạy trong một năm học và số tiết dạy trung bình trong mỗi tuần.
Cụ thể, thời gian làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy. Các hiệu trưởng cần phân công nhiệm vụ cho giáo viên sao cho hợp lý, bảo đảm công khai và công bằng giữa các giáo viên trong trường. Trường hợp phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng phải ưu tiên những giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong một tuần. Các nhiệm vụ kiêm nhiệm sẽ không được giảm định mức tiết dạy hoặc quy đổi thành tiết dạy nếu giáo viên đã nhận thù lao hoặc phụ cấp cho các nhiệm vụ này. Quy định này giúp duy trì sự công bằng trong việc phân bổ công việc và đảm bảo rằng mỗi giáo viên chỉ đảm nhận một khối lượng công việc phù hợp với năng lực và thời gian làm việc của mình.
Đối với các trường hợp giáo viên giảng dạy ở trường có nhiều cấp học, việc phân công giảng dạy sẽ căn cứ vào chức danh nghề nghiệp của giáo viên và định mức tiết dạy tại cấp học mà họ được bổ nhiệm. Trong trường hợp giáo viên giảng dạy ở cấp học khác, mỗi tiết dạy sẽ được tính như một tiết định mức.
Đáng chú ý, Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định mỗi giáo viên chỉ được kiêm nhiệm tối đa 2 nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11. Việc này nhằm tránh tình trạng quá tải cho giáo viên, đồng thời giúp giáo viên có đủ thời gian để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình.
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 22/4/2025.
Các trường hợp được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai từ ngày 19/4/2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 63/2025/NĐ-CP ngày 05/3/2025 sửa đổi Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Theo đó, từ ngày 19/4/2025, Nghị định số 63/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm đ, điểm g, điểm h khoản 1 Điều 13 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về một số đối tượng được miễn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:
- Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; đối tượng được trợ giúp xã hội khẩn cấp theo quy định của pháp luật về chế độ trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; đối tượng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 63/2025/NĐ-CP ) từ đủ 60 tuổi trở lên.
- Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo; người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
- Phụ nữ đang mang thai; phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
- Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo; thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn; thành viên hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, cáo xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Ủy ban Dân tộc và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Hướng dẫn xác định nhu cầu đào tạo giáo viên và phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm
Có hiệu lực từ ngày 20/4/2025, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Theo đó, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về xác định nhu cầu đào tạo giáo viên và phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm như sau:
- Xác định nhu cầu đào tạo giáo viên
+ Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh tiếp theo về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 60/2025/NĐ-CP , đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông;
+ Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, cấp học, ngành đào tạo của địa phương, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm tiếp theo cho các cơ sở đào tạo giáo viên;
+ Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên công khai rộng rãi chỉ tiêu lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 05 tháng 7 hằng năm.
- Phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm
+ Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên;
+ Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương;
+ Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên được xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ;
+ Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP và Nghị định 60/2025/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP cũng quy định trường hợp sinh viên sư phạm được xóa, miễn, giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí như sau:
- Sinh viên sư phạm được sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn nếu thuộc đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần;
- Sinh viên sư phạm được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ.
Nghị định số 60/2025/NĐ-CP giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.
Chế độ bồi dưỡng đặc thù thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 04/2025/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng.
Theo đó, Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được bồi dưỡng 2.340.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, tại Điều 3 Quyết định số 04/2025/QĐ-TTg, chế độ bồi dưỡng đối với người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng tại phiên điều trần được quy định cụ thể như sau:
- Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày.
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh tham gia phiên điều trần, thư ký phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
- Người giám định được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
- Người phiên dịch được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh mời đến phiên dịch tại phiên điều trần được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định về chi phí dịch thuật trong chế độ chi tiếp đón khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
- Người làm chứng được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh triệu tập đến phiên điều trần được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.

Thông báo Đấu giá Quyền sử dụng đất đối với 40 lô đất ở chia lô trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Thông báo thay đổi thời gian lịch tiếp công dân định kỳ tháng 4 năm 2025 của Chủ tịch UBND thành phố

Cập nhật thông tin doanh nghiệp phục vụ công tác cấp định danh điện tử cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025 thành phố Đà Nẵng
Thông báo việc lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!