Cục Hải quan thành phố trả lời doanh nghiệp tại đợt lấy phiếu khảo sát tháng 8/2018
Tháng 8/2018, Cục Hải quan thành phố tổ chức khảo sát, thu thập thông tin đối với các doanh nghiệp thường xuyên đăng ký tờ khai làm thủ tục tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng để cho ý kiến về mức độ hài lòng và các vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đây là một trong những hoạt động của Hải quan thành phố để thực hiện mục tiêu, định hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ và Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018 của thành phố.
Có 185 doanh nghiệp nhận phiếu khảo sát, có 10 doanh nghiệp nêu các nội dung vướng mắc gửi về Cục Hải quan thành phố.
Cục Hải quan thành phố tổng hợp các nội dung và trả lời cụ thể như sau:
1. Công ty TNHH MTV YoKohama Technica Đà Nẵng (Địa chỉ: Lô E, đường số 7, KCN Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)
Câu hỏi: Công ty chúng tôi là DNCX, SXXK. DNCX nếu muốn bán sản phẩm tự sản xuất vào thị trường nội địa, có thể được chọn theo cách làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp nội địa phải nộp thuế nhập khảu đối với sản phẩm mua của DNCX không?
Trước đây cũng tôi có làm công văn hỏi thủ tục và được hướng dẫn phải thay đổi mục đích sử dụng, đóng thuế phần nguyên liệu SXXK sau đó bán hàng vào nội địa. Cách làm này ảnh hưởng đến tiến độ xuất hàng, chúng tôi phải làm thủ tục chuyển đổi, nộp thuế mới xuất được hàng. Theo chúng tôi được biết, công văn số 3262/TXNK-CST ngày 20/6/2018 có nêu rõ DNCX được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 1 điều 4 Luật thuế XK,NK số 107/2016/QH13 và theo công văn số 66/TCHQ-TXNK khi đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan, thủ tục bán nội địa thực hiện như XNK tại chỗ. Vậy công ty có thể thực hiện bán hàng theo hình thức XNK tại chỗ, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích được không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; Căn cứ khoản 2 Điều 22, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thì:
- Trường hợp DNCX đáp ứng điều kiện của khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất sản phẩm (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu), sau đó DNCX bán sản phẩm cho doanh nghiệp nội địa thì DNCX và doanh nghiệp nội địa thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp nội địa phải nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm mua của DNCX theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 134/2016/NĐ-CP Chính phủ.
- Trường hợp DNCX không đáp ứng điều kiện của khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu (đăng ký tờ khai theo loại hình SXXK) được miễn thuế nhập khẩu. Sau đó, DNCX không xuất khẩu sản phẩm mà bán sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước thì được xác định là thay đổi mục đích đã được miễn thuế, DNCX phải nộp thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
2. Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng (Địa chỉ: 25 Trần Quý cáp, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
- Câu hỏi 1: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện loại hình nhập khẩu SXXK, thuê gia công đáp ứng quy định tại khoản 48 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và nhận về sản phẩm hoàn chỉnh để trực tiếp xuất khẩu có được miễn thuế NK hay không?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế thuế “ tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”
Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế “ tổ chức cá nhận sản xuất hàng hóa XK có cơ sở sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”
Đối chiếu quy định trên thì trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở sản xuất, không tổ chức sản xuất mà thuê các đơn vi khác sản xuất lại thì không được miễn thuế, không được hoàn thuế nhập khẩu.
- Câu hỏi 2: Theo khoản 32 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, hàng hóa của nhiều chủ hàng đóng chung cont vào kho CFS, Công ty chúng tôi vẫn thực hiện đúng quy định, tuy nhiên thực tế đối với ngành may mặc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hàng phải đóng vào kho trước 4,5 ngày tàu chạy nên doanh nghiệp luôn ở tình trạng xuất không đủ hàng, số lượng còn lại phát sinh chi phí rất cao. Rất mong cơ quan Hải quan tạo điều kiện.
Trả lời:
Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã có công văn số 1474/HQĐNg-GSQL ngày 15/8/2018 trả lời cho doanh nghiệp và gửi Tổng cục Hải quan để báo cáo. Theo đó, căn cứ khoản 32 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì phải đưa hàng hóa vào kho CFS để đóng ghép đối với hàng hóa đóng chung container của nhiều chủ hàng khác nhau; nội dung trên đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại công văn số 3899/TCHQ-GSQL ngày 04/7/2018. Tuy nhiên do doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã tiếp tục có kiến nghị với Tổng cục Hải quan xem xét về nội dung này.
- Câu hỏi 3: Theo khoản 18 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC thì việc kiểm hóa hộ chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời, gia công và SXXK. Chi cục HQ nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện kiểm hóa theo đề nghị của Chi cục HQ đăng ký tờ khai. Thực tế, Công ty có 02 nhà máy đặt tại Bình Định và Quảng Ngãi, kho của Công ty đặt tại Đà Nẵng, hàng hóa của Công ty thường xuyên xuất tại TP HCM và Vũng Tàu. Do vậy, có rất nhiều lô hàng của Công ty xảy ra tình trạng không kịp xuất. Rất mong cơ quan Hải quan tạo điều kiện để hàng hóa của Công ty được kiểm hóa tại cửa khẩu xuất.
Trả lời:
Căn cứ khoản 18 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính (Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 38/2015/TT-BTC…) thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan (kiểm hóa hộ) chỉ áp dụng đối với hàng xá, hàng rời và hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất. Sau khi nhận được đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai gửi qua Hệ thống, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Do vậy việc doanh nghiệp đề nghị được kiểm hóa hộ hàng xuất khẩu tại cửa khẩu xuất không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã có kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét về nội dung này.
3. Công ty CP XNK Thủy sản Miền trung (Địa chỉ: 01 Bùi Quốc Hưng, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
- Câu hỏi 1: Khi làm thủ tục nhập khẩu hàng sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp có chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D. Vậy tại thời điểm làm thủ tục hải quan,Công ty có cần phải nộp C/O mẫu D để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt không ? hay Công ty chỉ phải nộp khi thay đổi mục đích sử dụng.
Trả lời:
- Các trường phải nộp C/O được quy định tại Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Các trường không phải nộp C/O được quy định tại Điều 6 Thông tư 38/2018/TT-BTC. Theo đó khoản 4 Điều 6 quy định: “Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan và thực hiện khai theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì cơ quan hải quan tiếp nhận và kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định”.
- Câu hỏi 2: C/O mẫu D điện tử có nghĩa là không có C/O mẫu D giấy phải không?
Trả lời:
- Căn cứ khoản 1 Điều 25 Phụ lục VII Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày03/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thì C/O điện tử có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy, với hiệu lực pháp lý tương đương.
- Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì trường hợp sử dụng C/O điện tử được truyền qua cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp C/O bản giấy.
- Câu hỏi 3: Trường hợp nhập khẩu một hỗn hợp hóa chất có hiều thành phần, trong đó chỉ có một thành phần phải khai báo hóa chất (113/2017/NĐ-CP) có mã HS khác với mã số HS của hỗn hợp này. Vậy Doanh nghiệp phải khai báo hóa chất trên tờ khai nhập khẩu hay khai mã số của hỗn hợp để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt?
Trả lời:
Căn cứ 6 quy tắc phân loại quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/ 6/2017 của Bộ Tài chính; bản chất hàng hóa nhập khẩu là hỗn hợp hóa chất, vì vậy Công ty khai báo mã HS theo mã số của hỗn hợp hóa chất.
4. Công ty CP cơ khí Sông Thu (Địa chỉ: Đường số 8, KCN Hòa Cầm, Quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng)
Câu hỏi: Vướng mắc về thủ tục hải quan hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp xuất trả hàng hóa nhập khẩu cho chủ hàng nước ngoài ban đầu:
- Khi doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu thì phải xuất trình bản chính các văn bản liên quan đến tờ khai xuất, nhập khẩu như hợp đồng, invoice, packing list và các văn bản khác như văn bản bên nhập khẩu phát hiện hàng hóa bên xuất không đạt yêu cầu (sai chủng loại, lỗi,…) và văn bản bên xuất khẩu (đối tác nước ngoài) chấp nhận hàng hóa bị lỗi và thống nhất trả lại cho bên nhập khẩu. Để hạn chế việc phát sinh chi phí, doanh nghiệp thường ký các văn bản trên bản scan của nhau và gửi qua thư điện tử để thực hiện. Do đó, việc yêu cầu bản chính (dấu tươi hoặc ký tươi) cũng là khó khăn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi phát hiện hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu, chủ yếu doanh nghiệp trao đổi với nhau qua thư điện tử để thông báo, trao đổi và thống nhất gửi bù lại hàng hóa. Do đó, việc phải có bản chính ký, đóng dấu cũng là việc thêm thủ tục không cần thiết đối với doanh nghiệp.
Trong tờ khai xuất khẩu trả lại hàng hóa cho chủ hàng nước ngoài ban đầu (thông quan) đã thể hiện rõ loại hình xuất trả, tên hàng hóa, chủng loại hàng hóa…thuộc từng tờ khai nhập khẩu trước đó đã nhập từ chủ hàng nước ngoài ban đầu. Như vậy đã đủ cơ sở để chứng minh là doanh nghiệp đã xuất trả hàng hóa cho đúng chủ hàng nước ngoài ban đầu.
- Để giảm thủ tục hành chính khi làm thủ tục hải quan hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp xuất trả hàng hóa nhập khẩu cho chủ hàng nước ngoài ban đầu, doanh nghiệp đề nghị chỉ cung cấp các loại giấy tờ sau:
+ Công văn yêu cầu hoàn thuế theo mẫu: 01 bản chính.
+ Tờ khai nhập khẩu đã thông quan: 01 bản sao y;
- Tờ khai xuất trả đã thông quan: 01 bản sao y;
+ Phiếu báo có của ngân hàng hoặc chứng từ chứng minh đối tác nước ngoài đã thanh toán trả lại tiền cho bên nhập khẩu hoặc văn bản chứng minh việc bù trừ của hai bên: 01 bản sao y (kèm theo bản chính đối chiếu khi được yêu cầu).
Trả lời:
Liên quan đến hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/206 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đề nghị Doanh nghiệp đối chiếu quy định này để thực hiện.
5. Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng (Địa chỉ: Đường số 6, KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng)
Câu hỏi: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp chế xuất, khi đăng ký mã sản phẩm, mã NPL thì không có số tiếp nhận, vì sao?
Trả lời:
- Khi đăng ký mã sản phẩm, mã NPL thì Công ty thực hiện khai báo mục đích sử dụng theo chuẩn thông điệp quy định tại điểm 2 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 2270/QĐ-TCHQ ngày 09/8/2018 của Tổng cục Hải quan về việc Ban hành quy định về định dạng thông điệp trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.
- Theo quy định tại Điều 5 Chương II Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2270/QĐ-TCHQ ngày 09/8/2018 của Tổng cục Hải quan thì trường hợp Công ty có vướng mắc phát sinh khi thực hiện thì đề nghị phản ánh về Cục CNTT và Thống kê Hải quan-Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn.
Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã có báo cáo vướng mắc của Công ty để Tổng cục Hải quan xem xét hướng dẫn.
6. Công ty TNHH Staami Vina (Địa chỉ: Đường 9A, KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng)
Câu hỏi: Doanh nghiệp thường NK hàng hóa có sử dụng C/O mẫu AK. Tuy nhiên cơ sở dữ liệu ở Chi cục, đôi khi là ở Cục chưa có mẫu dấu, chữ ký của người có thẩm quyền (Hải quan Hàn Quốc đã thông báo gửi mẫu dẫu, chữ ký cho Hải quan Việt Nam từ lâu), do vậy không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt vì cần phải xác minh. DN mong muốn cơ sở dữ liệu cấp Chi cục phải được update thường xuyên để thuận tiện cho việc nhập khẩu hàng hóa của DN.
Trả lời:
- Căn cứ Điều 2 Phụ lục V ban hành kèm Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014 của Bộ Công thương về việc quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc thì :
“1. Mỗi nước thành viên cung cấp danh sách tên, địa chỉ, mẫu chữ ký và mẫu con dấu chính thức của các Tổ chức cấp C/O của nước mình cho Ban Thư ký ASEAN để thông báo tới tất cả các thành viên khác. Bất cứ thay đổi nào trong danh sách nêu trên của các nước thành viên phải được thông báo ngay cho tất cả các thành viên khác.
2. Bất cứ C/O nào được cấp mà người ký không có tên trong danh sách nêu tại khoản 1 sẽ không được cơ quan Hải quan chấp nhận”
- Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định:
Trường hợp chữ ký, dấu trên chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với mẫu chữ ký, mẫu dấu lưu tại cơ quan hải quan, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan giải trình, cung cấp thêm tài liệu để chứng minh xuất xứ hàng hoá. Nếu nội dung giải trình và tài liệu cung cấp phù hợp thì chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ.
Trường hợp cơ quan hải quan đủ cơ sở để xác định chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp thì đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt và tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường.
Khi làm thủ tục hải quan, nếu có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối thì cơ quan hải quan tạm tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường và tiến hành xác minh theo quy định.
7. Công ty TNHH MTV Jone Tech (Địa chỉ: Lô E, Đường số 7, KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng )
Câu hỏi: Đối với trường hợp 02 tờ khai xuất chung bill, lúc khai báo, DN chưa có số bill chính thức nên phải sử dụng số định danh hàng hóa. Vậy phải sử dụng chung một số định danh cho 02 tờ khai hay mỗi tờ khai là một số định danh khác nhau..
Trả lời:
- Căn cứ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 18 TT 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2018 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 thì “Khi đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan phải khai đầy đủ số hiệu container trên tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng container và số quản lý hàng hóa xuất khẩu theo hướng dẫn tại Mẫu số 02 Phụ lục II Ban hành kèm Thông tư này”.
-Tại STT 2.24 Phụ lục II Ban hành kèm theo TT 38/2015/TT-BTC, đã được sửa đổi bổ sung tại Phụ lục I TT 39/2018/TT-BTC thì:
(1) Trước khi đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai phải thông báo thông tin về hàng hóa dự kiến xuất khẩu sẽ đưa vào khu vực giám sát hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 14 Phụ lục này thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Hệ thống tự động cấp số quản lý hàng hóa cho lô hàng xuất khẩu và người khai hải quan sử dụng số đó để khai tại ô này.
(2) Một lô hàng được khai báo tối đa 5 số quản lý hàng hóa, nhưng hàng hóa thuộc các số quản lý hàng hóa này phải cùng một người gửi hàng, cùng một người nhận hàng, cùng tên phương tiện vận tải, vận chuyển trên cùng một chuyến và có cùng ngày xuất khẩu.
8. Công ty TNHH Coature Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Indochina Riverside Tower, số 74 đường Bạch Đằng, TP Đà Nẵng)
Câu hỏi: Trường hợp khai sai số hợp đồng thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ điểm d Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 năm 2012 quy định: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”.
Trường hợp khai sai số hợp đồng mà doanh nghiệp nêu không được Chính phủ quy định tại Nghị định số 127//2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016) thì không xử phạt.
Nếu khai sai ảnh hưởng đến chính sách thuế và các nghĩa vụ tài chính thì người có thẩm quyền xem xét hồ sơ để xử lý các hành vi quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 13… Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
9. Công ty CP thép Dana-Úc (Địa chỉ: Đường số 1, KCN Thanh Vinh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)
Câu hỏi: Việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu 15 ngày trước khi thông quan là quá lâu, không phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và gây khó khăn cho DN (ví dụ những lô hàng từ HongKong, Philippin, thời gian ký hợp đồng và hàng về cảng từ 3-5 ngày). Cần xác định mục đích việc ký quỹ để làm gì? Phải chăng để xử lý tái xuất hoặc tiêu hủy nếu lô hàng không đảm bảo chất lượng khi nhập khẩu, nếu vậy thì việc ký quỹ trước bao nhiêu ngày không quan trọng mà chỉ cần ký quỹ trước khi thông quan.
Trả lời:
Thời hạn ký quỹ nhập khẩu phế liệu đã quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã báo cáo vướng mắc này và được Tổng cục Hải quan trả lời tại công văn số 571/GSQL-GQ1 ngày 11/6/2015, theo đó, Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc.
10. Công ty TNHH chế biến thực phẩm D&N (Địa chỉ: 01 Nguyễn Phục, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng )
Câu hỏi 1: Đối với hàng nhập khẩu, cơ quan chuyên ngành đã cấp giấy đăng ký và không yêu cầu thay đổi ngày đăng ký kiểm tra thực tế hàng hóa nếu lô hàng bị trễ do tàu cập cảng muộn (vẫn trong thời gian hiệu lực tờ khai), nhưng cơ quan hải quan yêu cầu phải sửa đổi lại ngày kiểm tra hàng thực tế trên giấy kiểm tra thực tế trên giấy kiểm tra. DN phải mất thời gian làm lại thủ tục đăng ký ban đầu.
Trả lời:
Ngày 25/08/2018 Công ty có đăng ký 01 tờ khai số 102179819343/ E21 tại Chi cục HQ KCN Đà Nẵng, tên hàng: Vây cá mập đông lạnh, mã số HS: 0303.81.00. Lô hàng nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT 30/6/2018 và Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ NN&PTNT.
Công ty nộp Giấy đăng ký kiểm dịch số 504 ngày 14/8/2018, tại “mục 16. Thời gian kiểm dịch và thời gian Cơ quan kiểm dịch đồng ý đưa hàng về địa điểm của Công ty để làm thủ tục kiểm dịch là ngày 22/8/2018”. Như vây, thời gian kiểm dịch và thời gian cơ quan kiểm dịch xác nhận đồng ý đưa hàng về bảo quản trước ngày hàng đến cửa khẩu và trước thời điểm đăng ký tờ khai.
Qua trao đổi với Công ty được biết là ngày tàu đến chuyển từ ngày 22/8/2018 thành 27/8/2018. Công chức hải quan đề nghị sửa lại ngày đăng ký kiểm tra nhằm đảm bảo tính logic về mặt thời gian của hồ sơ, không yêu cầu Công ty nộp lại Đơn đăng ký mới. Sau đó Chi cục nhận được Đơn đăng ký cùng số 504 ngày 14/8/2018 có thời gian đăng ký kiểm dịch và ngày thời gian cơ quan kiểm dịch xác nhận đồng ý đưa hàng về địa điểm là ngày 27/8/2018, Chi cục đã thực hiện phê duyệt mang hàng về bảo quản ngày 27/8/2018 và thông quan vào ngày 31/08/2018.
Câu hỏi 2: Chứng từ hàng NK đã scan, ký điện tử và truyền lên cơ quan hải quan, doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy. Nên chăng quy định nếu đã nộp hồ sơ điện tử thì không nộp hồ sơ giấy và ngược lại.
Trả lời:
Nguyên tắc khai hải quan được quy định quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 38/205/TT-BTC ngày 25/3/2015, được sửa đổi bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể ở dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số). Do vậy, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan đã gửi qua Hệ thống, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp các chứng từ bản giấy.
Trong khi chờ nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 3546/TCHQ-GSQL ngày 13/9/2018 và 5459/TCHQ-GSQL ngày 19/9/2018 hướng dẫn các Chi cục Hải quan xử lý đối với các trường hợp hệ thống chưa tiếp nhận các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan gửi qua hệ thống như sau:
1. Đối với các tờ khai luồng vàng, luồng đỏ, công chức hải quan tiếp nhận các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp/xuất trình để giải quyết thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa theo quy định;
2. Đối với các tờ khai luồng xanh, công chức hải quan yêu cầu người khai hải quan gửi bổ sung các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua hệ thống trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan.
Câu hỏi 3: Thủ tục hành chính công DN truyền lên cơ quan hải quan vẫn không được duyệt trong ngày, có khi kéo dài nhiều ngày.
Trả lời:
Vấn đề này phát sinh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng vào thời điểm cuối tháng 7/2018, tờ khai luồng xanh, đã được thông quan, doanh nghiệp khai sai mã địa điểm xếp hàng, doanh nghiệp khai sửa đổi sau thông quan trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian này, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hiện đang thường xuyên nâng cấp do đó chưa được ổn định, dẫn đến việc duyệt, thông báo và trả kết quả cho doanh nghiệp chưa được nhanh chóng, Cục HQTP Đà Nẵng tiếp thu và sẽ khắc phục các hạn chế này.
Cục Hải quan TP Đà Nẵng tổng hợp trả lời để doanh nghiệp biết, đối với những câu hỏi không thuộc thẩm quyền, Cục đã báo cáo Tổng cục Hải quan, khi có trả lời từ Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo để doanh nghiệp biết. Cảm ơn các Doanh nghiệp đã quan tâm gửi ý kiến tham gia/.
Infographic: Đà Nẵng sắp xếp còn 15 phường, xã và 01 đặc khu
Ngày 23-4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 16 (bao gồm 12 phường, 03 xã và 01 đặc khu).
Tập trung hoàn thiện các nội dung trình Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp Chuyên đề) HĐND thành phố khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026
Chiều 22-4, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 4-2025 của Thường trực HĐND thành phố. Cùng dự có Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn.
Video: Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22-4
Quyết định thu hồi đất đối với khu đất khai thác khoáng sản có diện tích 170.023,4m2 tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ; Triển khai Quyết định số 768/QĐ-TTg của Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa trong thời gian tạm dừng cảng Sông Hàn phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2025; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025... là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22/4.
Nỗ lực tổ chức tốt các hoạt động du lịch, góp phần tăng trưởng quý II-2025 ở mức 2 con số
Đây là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại cuộc họp về công tác chuẩn bị Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 và công tác tổ chức du lịch mùa cao điểm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) vào sáng 23-4.
Khai trương Mùa du lịch biển năm 2025: Chuỗi hoạt động hấp dẫn chờ đón người dân và du khách
Với chủ đề “Vũ điệu sóng xanh”, chương trình Khai trương mùa du lịch biển năm 2025 diễn ra từ ngày 26-4 đến 2-5-2025 gồm chuỗi 18 hoạt động hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm đáng nhớ tại bán đảo Sơn Trà và không gian biển Đà Nẵng.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!