Đà Nẵng sẵn sàng cho Trung tâm tài chính quốc tế

Cùng với việc sở hữu những lợi thế cấu trúc riêng biệt, nền tảng hạ tầng thuận lợi, Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Phát huy lợi thế riêng biệt của Đà Nẵng

Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được chọn xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam bởi sở hữu những lợi thế riêng, hứa hẹn tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới.

Đánh giá về vai trò của Đà Nẵng trong chiến lược xây dựng TTTC quốc tế (IFC) của Việt Nam, ông Richard McClellan – Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings, Nguyên Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair, và từng nhiều năm làm việc tại tại McKinsey & Company – một trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới, không chỉ đặt ra câu hỏi "Tại sao lại là Đà Nẵng?" mà còn nhấn mạnh vào câu hỏi quan trọng hơn: "Làm thế nào để Đà Nẵng hiện thực hóa vai trò đó?"

Đà Nẵng sở hữu những lợi thế cấu trúc riêng biệt khi ở trung tâm Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng là đầu mối kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar qua các tuyến đường bộ và đường sắt. Đây cũng là thành phố ven biển duy nhất có quy mô lớn trên trục kết nối này, có tiềm năng trở thành cửa ngõ tài chính – logistics cho toàn bộ Tiểu vùng Mêkong mở rộng (GMS).

Đà Nẵng đã và đang sở hữu những nền tảng hạ tầng hiếm thấy bao gồm cảng nước sâu Liên Chiểu, sân bay quốc tế đang mở rộng, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, và khu thương mại tự do đang trong giai đoạn quy hoạch

Đà Nẵng đã và đang sở hữu những nền tảng hạ tầng hiếm thấy ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – bao gồm cảng nước sâu Liên Chiểu, sân bay quốc tế đang mở rộng, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, và khu thương mại tự do đang trong giai đoạn quy hoạch. Đây đều là các yếu tố có liên hệ mật thiết với thương mại, tài chính và đổi mới sáng tạo.

Không những vậy, Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng trong các ngành công nghệ, tài chính và kinh doanh quốc tế, Đà Nẵng có lực lượng lao động đáng tin cậy cho ngành dịch vụ tài chính từ trung đến cao cấp. Chi phí nhân lực tại đây cũng thấp hơn so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp mới.

Đặc biệt, khác với các đô thị siêu lớn, Đà Nẵng vẫn còn khả năng quy hoạch linh hoạt, quỹ đất phát triển rộng và chính quyền địa phương năng động, có kinh nghiệm triển khai các cải cách trong thời gian ngắn – đặc biệt phù hợp với các mô hình thí điểm hoặc chế độ chính sách đặc thù.

Hơn nữa, Đà Nẵng có thể đóng vai trò lan tỏa chiến lược TTTC quốc tế tới phần còn lại của Việt Nam; cụ thể là 14 tỉnh khu vực miền Trung – những nơi vốn chưa được phục vụ đầy đủ bởi các định chế tài chính ở miền Bắc hay miền Nam. Để chính sách có tác động toàn quốc thì cần có kết nối toàn quốc.

Qua phân tích những lợi thế riêng biệt của Đà Nẵng, ông Richard McClellan khẳng định: "Nếu Việt Nam muốn xây dựng một TTTC quốc tế có vị thế toàn cầu, chúng ta cần tư duy về TTTCkhông phải như một khu vực địa lý riêng lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm hoặc 1 TTTC quốc tế nhưng hoạt động tại 2 địa phương để tận dụng tốt các lợi của mỗi địa phương và hai bên cũng sẽ luôn bổ trợ, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển".

Sẵn sàng cho Trung tâm tài chính quốc tế đi vào vận hành

Đề cập về Trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng đây không phải là vấn đề mới đối với quốc tế nhưng là và vấn đề rất mới và rất khó đối với Việt Nam. Khó là vì hoạt động vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cũng vừa đặt trong mối tương quan, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

“2 TTTC quốc tế riêng biệt hoặc 1 TTTC quốc tế nhưng hoạt động ở 2 địa điểm riêng biệt là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đều có ý nghĩa quan trọng làm đa dạng hóa môi trường thu hút đầu tư của các định chế tài chính, các nhà đầu tư; hạn chế, kiểm soát tốt hơn được các rủi ro;…”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói.

Đồng thời cho biết, cùng với công tác tham mưu, đề xuất xây dựng về cơ chế chính sách, Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, các hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của TTTC quốc tế.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu sử dụng ngay một tòa nhà 22 tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 để đáp ứng ngay nhu cầu hoạt động của TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng

Riêng về đất đai, để đáp ứng ngay nhu cầu hoạt động của TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sau khi có Nghị định thành lập của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu sử dụng ngay một tòa nhà 22 tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn xây dựng hơn 27.000 m2.

Bên cạnh đó đã quy hoạch và bố trí các khu đất sạch khu vực gần biển với diện tích gần 18 ha để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong dài hạn, sẽ chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng tại phường Sơn Trà (mới) với diện tích 62 ha để trở thành khu phố tài chính.

Đối với công tác quy hoạch hạ tầng, thành phố hiện có 06 trung tâm dữ liệu đang hoạt động quy mô gần 500 rack. Gần đây nhất, ngày 27-3-2025 đã khởi công xây dựng một trung tâm dữ liệu với quy mô giai đoạn 1 là 100 rack.

Đà Nẵng đã có chủ trương thu hút đầu tư phát triển thêm các trung tâm dữ liệu chuẩn Tier III, phủ sóng 5G, đầu tư xây mới trạm cáp quang biển cập bờ với băng thông tuyến cáp đạt 90Tbps, đầu tư dự án không gian đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các dự án thành phần về công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; phối hợp với các nhà đầu tư, tổ chức để đảm bảo điều kiện vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sau khi đưa vào hoạt động.

Đà Nẵng cũng sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và phát triển các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh. Trước mắt sẽ đề xuất mức đầu tư dự kiến khoảng 02 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Đà Nẵng cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước mắt đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển TTTC quốc tế tại thành phố Đà Nẵng với 26 thành viên. Lựa chọn trước 10 công chức, viên chức tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo nước ngoài trong các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, luật đảm bảo tiêu chuẩn về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn để cử đi học tập, thực tập sinh tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn như Singapore, London, Hong Kong... trong thời gian tới.

Tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về TTTC quốc tế tại thành phố Đà Nẵng cho hơn 300 cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Lựa chọn nhân sự để lập Ban trù bị thành lập Cơ quan điều hành TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng, liên hệ, trao đổi cùng một số giám đốc điều hành các TTTC quốc tế, định chế tài chính lớn để mời tham gia quản lý, điều hành và tư vấn trong Cơ quan điều hành này sau khi thành lập.

Vê lâu dài, thành phố chủ động phối hợp với Đại học Đà Nẵng và các trường đại học, cơ sở giáo dục nghiên cứu, xây dựng tổng thể Chương trình đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ TTTC.

Song song đó, huy động các nguồn lực xã hội để phôi hợp tổ chức các chương trình thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển TTTC quốc tê Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Cùng với đó, Đà Nẵng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, tham vấn chính sách,… Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tại TTTC gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và các dự án động lực, trọng điểm của thành phố.

Về hoạt động xúc tiến đầu tư Thành phố Đà Nẵng đã tích cực, chủ động làm việc cùng các tổ chức, định chế tài chính, quỹ đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Đà Nẵng đã và đang ký bản ghi nhớ hợp tác với 06 đối tác trong việc hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư để phát triển TTTC quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Đã Nẵng có kế hoạch trong thời gian tới sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc cùng các đối tác, tập đoàn tài chính, định chế trong và ngoài nước để triển khai, ký kết các biên bản hợp tác, thúc đẩy thành lập các trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế, công nghệ tài chính, chuỗi khối nhằm hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật; tư vấn cơ chế, chính sách phát triển trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, dịch vụ tài chính.

Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Ngày 20-5-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 981/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 

Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng Ban Thường trực); Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố

Tại Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào sáng 20-5 vừa qua, quan điểm phát triển "một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại hai địa điểm khác nhau" được nhiều chuyên gia ủng hộ.

Giám đốc điều hành Liên minh các TTTC quốc tế (WAIFC) cho rằng bên cạnh hạ tầng vật chất kỹ thuật cứng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng phần mềm, hạ tầng số để bảo đảm cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khi các trung tâm này đi vào hoạt động. Một điều đặc biệt quan trọng Việt Nam cũng cần hết sức lưu ý đó là cần có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực bài bản, tránh sự đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải và manh mún.

Dẫn chiếu kinh nghiệm, mô hình hoạt động về TTTC quốc tế hiện đại ở một số nước, nhất là tại Dubai, ông Andreas Baumgartner, Tổng Giám đốc kiêm sáng lập The Metis Institune đưa ra khuyến nghị Việt Nam có thể xây dựng 1 TTTC quốc tế nhưng hoạt động tại cả 2 địa điểm là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thống nhất ở một TTTC quốc tế nhưng cũng bảo đảm phát huy được lợi thế riêng biệt, sự độc lập trong hoạt động giữa 2 địa điểm của 1 TTTC quốc tế.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình cho biết định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 TTTC quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh

Thông tin tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiện nay, hai thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt chuẩn bị hạ tầng cứng và hạ tầng mềm rất đồng bộ, cùng với đó là thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá, xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư… để sẵn sàng cho vận hành của TTTC quốc tế cũng như bảo đảm sẵn sàng kết nối toàn cầu khi TTTC quốc tế tại Việt Nam chính thức đi vào vận hành, hoạt động.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 TTTC quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam. Đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm các cơ chế chính sách cho TTTC quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; có bước đi phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam.

Trong xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý cho phát triển TTTC quốc tế có sự tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp, thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế nhưng không phải là sự sao chép đơn thuần, sao chép cơ học, máy móc mà có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với đặc thù và điều kiện của Việt Nam.

Đối với vấn đề về hạ tầng pháp lý, trước hết, Chính phủ sẽ tập trung bổ sung hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, hệ thống các nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành với các chính sách vượt trội, cởi mở, có nhiều ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, nhất là những ưu đãi về thuế quan; hạ tầng; xuất nhập cảnh, cư trú, lao động;… đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào TTTC quốc tế tại Việt Nam.

Dự kiến trong Kỳ họp thứ 9 tới, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về TTTC quốc tế tại Việt Nam. Nghị quyết được thông qua sẽ là một bước tiến quan trọng tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam kết nối với kinh tế toàn cầu và là một giải pháp để bứt phá tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo.

HOÀNG PHAN - THANH NGUYÊN

Tin tức - sự kiện

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Hơn 20 doanh nghiệp Nhật tham gia Ngày hội việc làm, tuyển dụng sinh viên

Ngày 22-5, Đại học Đông Á tổ chức Ngày hội việc làm Nhật Bản 2025. Chương trình năm nay quy tụ hơn 20 doanh nghiệp Nhật Bản, mở ra hàng trăm cơ hội việc làm và thực tập cho sinh viên các ngành học, đồng thời chứng kiến nhiều ký kết hợp tác chiến lược về đào tạo, y tế và phát triển nguồn nhân lực quốc tế.

Đà Nẵng và Ngân hàng BIDV ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển giải pháp công nghệ tài chính cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Sáng 23-5, UBND thành phố và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giải pháp công nghệ tài chính cho Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng. Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh. Về phía BIDV có Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cùng đại diện nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22/5

06 thủ tục hành chính (TTHC) chuẩn hóa trong lĩnh vực Biển và hải đảo và lĩnh vực Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Ban hành mới 02 TTHC và bãi bỏ 01 TTHC lĩnh vực Giáo dục và đào tạo; Mở rộng bãi đỗ xe đầu tư tạm hiện trạng dưới gầm cầu Thuận Phước; Bãi bỏ phê duyệt Sơ đồ ranh giới sử dụng chùa Huệ Quang và Sơ đồ ranh giới sử dụng đất Làng ẩm thực quốc tế; Đấu tranh phòng, chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22/5.

Video - Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22-5

06 thủ tục hành chính chuẩn hóa trong lĩnh vực biển và hải đảo và lĩnh vực Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Ban hành mới 02 thủ tục hành chính và bãi bỏ 01 TTHC lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Mở rộng bãi đỗ xe đầu tư tạm hiện trạng dưới gầm cầu Thuận Phước; Bãi bỏ phê duyệt Sơ đồ ranh giới sử dụng chùa Huệ Quang và Sơ đồ ranh giới sử dụng đất Làng ẩm thực quốc tế; Đấu tranh phòng, chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 22-5.

Thông tin điểm báo sáng 23-5

Thông tin về thành phố Đà Nẵng và các tin tức liên quan do Cổng Thông tin điện tử TP và các cơ quan báo chí đăng tải.

Xuất bản thông tin

Navigation Menu

Navigation Menu