Đà Nẵng điểm đến của các nhà đầu tư – Kỳ 2: Kỳ vọng bứt phá từ Khu Thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu

Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu. Đây là mô hình nhiều nước trên thế giới đã thành công, nhưng là lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, không chỉ tạo động lực mới cho Đà Nẵng bứt phá mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa khu vực lân cận, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên, tạo nên hệ sinh thái logistics và thương mại hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung.

Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư cảng biển quốc tế Liên Chiểu

Tận dụng lợi thế kín gió, nước sâu, kết nối với nhiều tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, đường ven biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây (nối Việt Nam, Lào, Thái Lan…), từ nhiều năm trước, Đà Nẵng đã ấp ủ một kế hoạch dài hơi để đầu tư khu vực cảng Liên Chiểu với nhiều lĩnh vực: đô thị cảng biển, logistics…

Cuối năm 2022, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 11-2025.

Cảng Liên Chiểu được định hướng trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế; thu hút các hãng vận tải, logistics lớn trên thế giới. Đây là cảng biển tiếp cận được cỡ tàu lớn, có năng lực tiếp cận, vận tải, trung chuyển hàng hóa container với các cảng biển khác trên thế giới.

Hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; trở thành một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ vận tải biển quốc tế với các tàu siêu lớn, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Cuối tháng 3-2025, Bộ Xây dựng ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, cảng biển Đà Nẵng gồm các khu bến Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê, bến cảng biển huyện đảo Hoàng Sa và các khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, các cảng ở Đà Nẵng có thể đáp ứng 23 - 29 triệu tấn hàng hóa thông qua, đáp ứng năng lực tiếp nhận từ 532.300 - 597.000 lượt khách. Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch phê duyệt 12 - 15 bến cảng gồm 20 - 23 cầu cảng với tổng chiều dài từ 4.220,3 - 5.745,3 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Cảng Liên Chiểu được định hướng trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế; thu hút các hãng vận tải, logistics lớn trên thế giới. ẢNH: MINH TRÍ

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5%/năm.

Giai đoạn đến năm 2030 cũng sẽ hoàn thành đầu tư khu bến Liên Chiểu có quy mô định hướng phát triển tổng thể 22 bến cảng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa. Cụ thể gồm 8 bến cảng lỏng/khí, 8 bến cảng container, 6 bến cảng tổng hợp, hàng rời, phát triển hàng container theo kỳ quy hoạch khi có nhu cầu.

Sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 167 ha, chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn với cảng. 

Bộ Xây dựng cũng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 vào khoảng 23.335 tỷ đồng. Bao gồm: vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Phát huy sức mạnh liên hoàn của hệ sinh thái hạ tầng – công nghệ – tài chính – nhân lực

Trong tương lai, gắn với cảng Liên Chiểu sẽ là Khu thương mại tự do Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào thành phố và vùng động lực kinh tế miền Trung.

Đà Nẵng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao khi thành lập ngay Tổ công tác triển khai thành lập Khu thương mại tự do, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường làm Tổ trưởng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế.

"Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của thành phố", Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường nói.

Dự kiến, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng khoảng hơn 2.317 ha, bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu thương mại tự do đầu tiên được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác.

Lĩnh vực ưu tiên của Khu thương mại tự do Đà Nẵng là sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao (điện tử tiên tiến, máy bay, linh kiện hàng không, dược phẩm và công nghệ sinh học, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn…); logistics; thương mại dịch vụ; trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực; dịch vụ hỗ trợ, trong đó có gắn kết giữa khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Trong tương lai, gắn với cảng Liên Chiểu sẽ là Khu thương mại tự do Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế. ẢNH: MINH TRÍ

Theo dự báo, Khu thương mại tự do có thể đóng góp 8 – 9% vào GRDP của thành phố vào năm 2030 và tăng lên tới 25% vào năm 2050, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng năm của thành phố thêm 1,7 và 2,4% lần lượt giai đoạn 2026 – 2030 và cả thời kỳ 2031 – 2050.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ thu hút lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: Năm 2030 có khoảng 41.000 lao động, năm 2050 có khoảng 137.000 lao động.

Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 nêu rõ, Đà Nẵng sẽ chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229 ha. Trong đó, khu vực Liên Chiểu có 2 trung tâm logistics: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới.

Song song đó, HĐND thành phố đã thông qua danh mục 33 dự án chuẩn bị đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu thương mại tự do.

Cụ thể, có ba dự án trong khu thương mại tự do gồm các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho các khu sản xuất, khu logistics và khu chức năng khác. 30 dự án còn lại đầu tư ngoài Khu thương mại tự do gồm hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có các cơ chế, chính sách ưu đãi đã được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 đối với nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp (nhà đầu tư thuê lại đất từ nhà đầu tư cơ sở hạ tầng).

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2029, thành phố tập trung triển khai những chính sách tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc xây dựng, vận hành khu thương mại tự do; ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và tích hợp các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ vào quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bảo đảm tinh giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung triển khai các chính sách có tác động lớn và có tính lan tỏa, xem xét, trình Quốc hội ban hành chính sách mới cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Sau năm 2029, thành phố tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, nâng cấp các cơ chế, chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong các lĩnh vực mũi nhọn; điều chỉnh và bổ sung các ưu đãi dựa trên tình hình khu vực và quốc tế, bảo đảm duy trì lợi thế cạnh tranh của Khu thương mại tự do Đà Nẵng trong dài hạn.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng, mô hình Khu thương mại tự do thí điểm sẽ giúp Đà Nẵng làm đầu tàu kinh tế.

“Một khi Khu thương mại tự do Đà Nẵng ra đời, nó sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, giúp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không.

Bên cạnh đó, Khu thương mại tự do cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn...”, ông Vũ Quang Hùng nói.

Theo các chuyên gia, thành công của 1 Khu Thương mại tự do không phụ thuộc vào quy mô địa giới mà còn dựa trên sức mạnh liên hoàn của hệ sinh thái hạ tầng – công nghệ – tài chính – nhân lực.

Trong đó, Đà Nẵng sở hữu chuỗi giá trị khép kín hiếm có. Đà Nẵng có cảng Liên Chiểu được xem là cửa ngõ logistics tối ưu hóa thông quan, giảm 30% chi phí vận chuyển. Trục công nghệ – sản xuất gồm Khu Công nghệ cao duy nhất ở miền Trung với hạ tầng hoàn thiện rộng 1.128ha, khu công nghê thông tin tập trung và các Khu, cụm công nghiệp lân cận. Các hạ tầng đồng bộ này tạo "hành lang nghiên cứu và phát triển – sản xuất – lắp ráp" ngay tại chỗ, có thể cung ứng đến 25.000 lao động chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm tài chính quốc tế đang được xúc tiến xây dựng tại Đà Nẵng sẽ cung cấp giải pháp sandbox tiền tệ số, bảo hiểm rủi ro ngoại hối, mở đường cho giao dịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lợi thế “Kết nối đa phương thức” gồm sân bay quốc tế hiện hữu cách vị trí dự kiến xây dựng Khu Thương mại tự do chưa đầy 30 phút; hạ tầng số dẫn đầu với tốc độ 5G 324 Mbps và 8 tuyến cáp quang biển.

Đặc biệt, Đà Nẵng còn có nguồn năng lượng sạch ổn định. Đó là Nhà máy LNG Hòa Ninh 1.500 MW (Giai đoạn 1, mới được bổ sung vào danh sách dự phòng – Quy hoạch điện VIII) đảm bảo điện cho công nghiệp vi mạch bán dẫn và trung tâm dữ liệu.

Đây không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là một "cơ thể sống" đã vận hành, sẵn sàng cho Khu Thương mại tự do hoạt động ngay khi Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập Khu Thương mại tự do, không cần chờ đợi xây dựng hay điều chỉnh phức tạp.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, việc xây dựng Khu Thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu sẽ khai thác hết những tiềm năng, lợi thế, ưu đãi mà Đà Nẵng đang sở hữu, thu hút các “đại bàng” đến đầu tư, hoạt động.

HOÀNG PHAN – THANH NGUYÊN

 

Tin tức - sự kiện

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Về làng cổ Nam Ô nghe kể chuyện nghề làm nước mắm truyền thống

Những nghệ nhân, người làm nước mắm truyền thống ở làng cổ Nam Ô (quận Liên Chiểu) hơn 700 năm tuổi hôm nay không chỉ trăn trở, đau đáu giữ làng, giữ nghề mà họ còn ấp ủ ước mơ đưa sản phẩm đi xa hơn, đến gần hơn với khách hàng trong nước và quốc tế.

Những dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo học tập và làm theo Bác tại Đảng bộ UBND thành phố

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (Chỉ thị) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ sau khi Đảng bộ UBND thành phố được thành lập (ngày 06/02/2025), Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo UBND thành phố, các TCCS cơ sở đảng trực thuộc phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực… không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện bài bản, sâu rộng và hiệu quả Chỉ thị. Việc học tập và làm theo Bác trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là nội dung cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền vững chắc để phục vụ nhân dân.

Đà Nẵng điểm đến của các nhà đầu tư – Kỳ 1: Trung tâm tài chính xanh, thông minh và đổi mới sáng tạo

Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sẽ là trung tâm tài chính xanh, thông minh và đổi mới sáng tạo, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 12/5

Thực hiện phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện; Tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp nhận phi dự án Hỗ trợ hệ thống xử lý nước uống liền dùng cho học sinh do Tổ chức Việt Dreams tài trợ… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 12/5.

Video: Chỉ đạo điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 12-5

Thực hiện phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện; Tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp nhận phi dự án Hỗ trợ hệ thống xử lý nước uống liền dùng do Tổ chức Việt Dreams tài trợ… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố ngày 12/5.

Xuất bản thông tin

Navigation Menu

Navigation Menu