ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH 'THÀNH PHỐ NHƯỢNG ĐỊA' CỦA THỰC DÂN PHÁP
'Tourane' thành phố nhượng địa
Từ những làng xã bị đô thị hóa, trong thành phần cư dân của thành phố Đà Nẵng vẫn còn một bộ phận nông dân tiếp tục duy trì cuộc sống trong các làng xã sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp hoặc chài lưới trên sông hay ngoài vịnh, ngoài biển.
Một bộ phận cư dân được thu hút vào các hoạt động dịch vụ hay thương mại của đô thị trong số đó có một số vươn lên làm giàu, cùng với một số nhà doanh nghiệp từ nơi khác đến đây kiếm sống trở thành tầng lớp tư sản Đà Nẵng với những tên tuổi như Lê Văn Tập, Bùi Huy Tín, Nguyễn Hữu Thí, Nghè Mai, Nghè Dụng. Với các tổ chức kinh doanh như Quảng Nam hiệp thương công ty, Nam Hưng tư nghiệp hội xã, Công ty vận tải Hào Hưng v.v... Những cư dân có học dần trở thành viên chức, một số đông dân cư làm thuê cho các doanh nghiệp trở thành lớp dân lao động và vô sản. Một bộ phận quan trọng người Pháp thường xuyên cư trú ở Đà Nẵng là các quan lại trong bộ máy cai trị, các nhà tư sản hay kỹ thuật viên. Có một số ít các ngoại kiều Ấn Độ, chủ yếu là buôn bán. Tuy nhiên có một lớp ngoại kiều rất đông đảo, đó là Hoa kiều (theo thống kê của Pháp năm 1937 đã có 1000 người Hoa làm ăn sinh sống ở Đà Nẵng).
Cũng như ở nhiều nơi khác, cộng đồng Hoa kiều theo truyền thống tổ chức làm ăn theo các bang hội của mình (Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông). Họ có mặt từ những công việc lao động tầm thường nhất (bốc vác, buôn bán vặt) tới cương vị những thế lực kinh tế trong khu vực. Nhiều hãng buôn của Hoa kiều đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế của Đà Nẵng với các biển hiệu Quảng Triều Hưng, Hiệp Hòa Hưng, Vũ Xương Long, Đông Lợi Hưng, Tống Lý Long, Quảng Hòa Mỹ...
Trong lịch sử, Đà Nẵng cùng với Hội An là cửa ngõ của một số tôn giáo từ ngoài truyền vào, xa xưa là Phật giáo và những thế kỷ gần đây là Thiên chúa giáo, Tin Lành. Trong thành phố Đà Nẵng có một số cơ sở tôn giáo vốn là của các làng xã cũ (chùa chiền...) vẫn tồn tại, một số cơ sở mới được xây dựng. Về Phật giáo, có các chùa như Phổ Đà, Vu Lan, Diệu Phật, Tường Quang, Từ Vân, Từ Tôn... quy tụ số đông dân cư thành phố theo đạo Phật. Vào thời điểm phong trào chấn hưng Phật giáo năm 1932 Hội khuyến học Phật giáo Trung Kỳ được thành lập, Hội Phật học Đà Thành và Tam Bảo tạp chí ra đời.
Trong lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam, Đà Nẵng là vùng đất truyền giáo thuộc loại sớm nhất. Từ khi trở thành nhượng địa, Thiên chúa giáo ở đây có điều kiện phát triển. Hồi đầu, cả thành phố chỉ có một nhà nguyện trong khu vực thành Điện Hải của quân Pháp chiếm đóng. Năm 1923 nhà thờ chính tòa được xây dựng trên một mặt bằng rộng lớn bên một trục đường lớn của thành phố Đà Nẵng vẫn thuộc giáo phận Quy Nhơn và giáo khu Huế, (cho tới 10.1.1963 mới trở thành một giáo phận riêng).
Đạo Tin Lành vào Việt Nam cũng sớm đặt cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. Năm 1910 các mục sư đầu tiên đến thành phố này và sau một thời gian vận động rất chật vật với chính quyền địa phương, những cơ sở đầu tiên của Tin Lành mới được hoạt động và thành phố Đà Nẵng với một nhà thờ Tin Lành đầu tiên ở Việt Nam, được xây cất vào năm 1913 (đường Khải Định). Chính từ đây, qua nhiều lớp truyền bá thánh kinh mà Tin Lành mở rộng hoạt động của mình ra các địa phương khác trên lãnh thổ Việt Nam.
Trung tâm truyền bá đạo Cao Đài của Trung Kỳ là ở Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, đến năm 1938 Thánh Thất Trung Thành của đạo giáo này mới được xây dựng tại thành phố Đà Nẵng, sau ngày Nhật đảo chính (9.3.1945) xuất hiện trong tín đồ Cao Đài ở Đà Nẵng tổ chức thanh niên Tráng anh đoàn.
Ở Đà Nẵng, một công trình văn hóa sau này đã trở thành một địa điểm có giá trị văn hoá tiêu biểu của thành phố, đó là Bảo tàng Cổ vật Chàm mang tên người sáng lập Musée de Parmentier. Nằm trên vùng đất năm xưa là trung tâm của Vương quốc Chàm, nhiều di vật của nền văn hóa này đã được các học giả và chính quyền thực dân chú ý. Năm 1900 ngay sau khi thành lập, trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đặt trụ sở tại Hà Nội đã yêu cầu ông H.Parmentier tổ chức sưu tầm và nghiên cứu.
gày 22.6.1918 Bảo tàng Cổ vật Chàm mang tên ông Parmentier được Toàn quyền Đông Dương ký nghị định chính thức thành lập (toà nhà trưng bày hiện tại được xây cất năm 1916) trở thành một bảo tàng duy nhất và nổi tiếng liên quan đến lịch sử Vương quốc Champa và nền văn minh của nó.
Như vậy, trên toàn bộ xứ Trung Kỳ bảo hộ đã hình thành một thành phố nhượng địa duy nhất bên bờ sông Hàn, với tên gọi chính thức là thành phố Tourane mà trong phần trình bày ở trên tên gọi Đà Nẵng chỉ là một trong những tên gọi mà người Việt Nam vẫn quen dùng ngay cả trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!