Quảng Nam tỉnh phú
Trần Đình Phong (1847-1920), hiệu Mã Sơn, quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đỗ tiến sĩ năm 1874, làm Đốc học Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm Tế tửu Quốc tử giám. Ông là thầy học của các vị khoa bảng và chí sĩ Quảng Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, Phạm Tuấn, Phạm Liệu… Ông là tác giả Quảng Nam tỉnh phú nổi tiếng, được truyền tụng rộng rãi ở đất Quảng.
Vâng nay, thống nhứt giang sơn, bao trùm lãnh thổ
Dư đồ một bức, mở mang bờ cõi Mân, Kỳ(1)
Đức hóa bốn phương, khắp đến nơi xa phương hải.
Trang nghiêm cảnh trí, kinh đô là chốn bản căn
Bao bọc chung quanh, ngoài tỉnh làm nơi rào giậu.
Quảng Nam, phía tả kinh kỳ, phần sao Thuần, Vĩ,
Phủ hai, huyện sáu, tổng bốn mươi lăm(2),
Xã một nghìn dư, đinh năm vạn lẻ.
Ruộng đất hơn ba muôn mẫu,
Tô thuế đến năm vạn linh.
Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga(3),
Xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ.(4)
Miếu thờ thánh, đền thờ thần, đồn bảo giữ gìn mọi nẻo.
Sứ có quán, thương có cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu.
Thành trì hùng tráng phiên châu, dấu tích đổi thay cõi vũ.
Từ Trần về trước thuộc đất Chiêm Thành, lộ đặt từ Hồ, thừa tuyên Lê đổi(5).
Kể cả phủ Hoài Nhơn, Tư Nghĩa, Hồng Đức có ba
Tháp vào đây Thuận Hóa, Điện Bàn, tiên triều thêm một.
Thái Tổ gọi dinh, gọi trấn,
Minh Mạng đổi tỉnh đến nay(6),
Trải bao cuộc đổi thay, nhìn thấy non sông rạng vẻ.
Nam giáp Quảng Nghĩa, bắc giáp Thừa Thiên, tây giáp Lào, Xiêm đông giáp biển cả.
Cu Đê tây bắc(7), Hữu Bang tây nam,(8)
Đại Yểm đông nam, Đà Nẵng đông bắc.(9)
Từ cửa biển đến đầu nguồn, chín mươi dư dặm.
Từ Hải Vân vô Bến Ván, bảy trạm liền nhau.(10)
Giao kỳ phân định rõ ràng, sông núi điểm tô rực rỡ.
Núi có Bàn Than, Đồng Hoạch, Hương Quế, Trà Sơn, Mỏ Diều, Kiều Ngựa, Tượng Lãnh, Cổ Cò.
Quế Sơn có hòn Nha Não, Hà Đông có núi Răng Cưa; Vân Thê một dãy về nam gần miền Quế, Lệ; Mỹ An mấy hòn phía bắc ngó xuống Hòa Duy.
Hòn Tạng ở tại Thạch Khôi, hòn Nga thuộc về huyện Lễ.
Quế Sơn có núi Thiên Trù cao ngất tầng mây,
Phú Nham có núi Chúa sơn còn lưu dấu tích.
Cù lao ở ngoài biển, Chánh Lãnh thuộc hạt Hà Đông.
Tào Sơn cao mấy chục dặm dư, tỉnh đàn có tế,
Hành Sơn có ba mươi sáu cảnh, Ngự chế có thi.(11)
Cửa biển có ba, ngõ nguồn có sáu.
Hai dòng nước Sài Giang phát nguồn từ Tả Trạch, Mấy nhánh sông Kỳ Thủy chảy xuống cửa An Hòa, Trường Giang một dải bình sa, quanh co mấy khúc,(12) Vĩnh Điện là con sông mới đào bởi công trình.
Trà Úc sông nước trong xanh, Cẩm Lệ sông sâu dợn sóng.
Sông Hà Lam sen mọc tốt tươi, mùi hương thơm nức.
Sông Hòa Vang cò thường lặn lội sắc trắng phơi màu.
Mới biết địa linh nhân kiệt, nảy sinh anh tuấn khác thường. Nam cung ứng tuyển, nhạn tháp đề danh(13)
Phò vua lập nước được công to, trừ cọp chỉ dùng ngòi bút. Thanh liêm nổi tiếng, khí tiết nêu cao.
Mô phạm xứng tài, sứ trình nổi tiếng, cảm thay bao nhiêu công nghiệp, chẳng ngớt lời khen.
Không những nhiều bậc văn thần, cũng có lắm tay võ lược. Thi đỗ nhị giáp, tam giáp, quan đến trung quân, hữu quân.
Khẳng khái anh hùng, biểu dương trí dũng, tùy thời xuất hiện có đủ hàng người.
Làng Thái Bình có Đỗ Bố Y (Đỗ Quý Lương) thảo dã giám cửu trùng bộc bạch(17)
Thủ tiết thờ chồng, mẹ ông tu soạn họ Nguyễn, tuổi xuân ở góa, vợ phủ Định Tường họ Trương.
Thương thì buôn bán Bắc Nam, phố Minh Hương, Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch.
Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố.
Vườn có nhiều rau, ruộng có nhiều mía, đầu nguồn nhiều lợi cây gỗ, dưới bể nhiều lợi cá tôm.
Nói về thổ sản cũng chẳng thiếu gì: lộc, nhung, sáp ong, ngà voi, tê giác…
Nói về cổ tích cũng lắm cảnh kỳ: có Cổ Tháp, có Phương Trì, có giếng Tiên, có núi Ngọc.(26)
Nhớ nhà sư ứng nghĩa, Chiên Đàn cởi áo cà sa: Khiếp thượng tướng oai phong. Bến Ván chốn cây kích gãy.(29)
Thành Hoàn Vương rêu xanh che phủ, lũy Thượng Công cổ bích sum suê.(30)
Trải bao thế kỷ, sự tích còn truyền, nói đến tiết thời, có nhiều kinh nghiệm.
Ở gần nhiệt đới, lạnh ít nóng nhiều, vì phương Nam là nơi trưởng dưỡng, khác với khí hậu bắc phương.
Rực rỡ thay! Nghìn năm bờ cõi, một dãy phong cương.Đất ngày mở thêm, vật ngày càng thịnh.
Trình bày những chuyện nghe thấy, dám đâu trích dẫn cầu kỳ, những mong góp ý nhã phong, để tỏ cảnh này, vật nọ.
Có thấy phong vật tốt tươi trong một tỉnh, mới biết công ơn giáo dục trải ba trăm năm.
(1) Ví các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam như nhà Chu bên Trung Hoa mở mang đất Mân, đất Kỳ.
(2) Phủ hai: Điện Bàn, Thăng Bình. Huyện sáu: Diên Phước, Duy Xuyên, Hòa Vang, Lễ Dương, Quế Sơn và Hà Đông.
(3) Năm 1811, tỉnh thành đắp bằng đất (nay còn ở Thanh Chiêm). Đến năm 1834, được xây bằng đá ong và gạch ở làng La Qua (gần Vĩnh Điện ngày nay). Từ năm 1833, La Qua là tỉnh lỵ tỉnh QuảngNam.
(4) Thanh Chiêm là dinh trấn thời dinh Quảng Nam (1604-1883), nơi có Trường đốc đầu tiên.
(5) Dưới thời nhà Hồ vùng đất Quảng Nam gọi là lộ Thăng Hoa, nhà Lê gọi là thừa tuyên Quảng Nam, chúa Nguyễn gọi là dinh Quảng Nam.
(6) Gia Long đổi thành trấn, từ thời Minh Mạng gọi là tỉnh Quảng Nam cho đến nay.
(7) Sông bắt nguồn từ tây bắc Hòa Vang, đổ ra vịnh Đà Nẵng.
(8) Sông Bản Tân, tức Bến Ván có 2 nguồn từ núi Ô La và Nha Não đổ về.
(9) Nguồn sông Cu Đê và Hữu Bang, cửa biển Kỹ Hà và Đà Nẵng. Đại Yểm hay Đại Áp, gần núi Bằng Than (nay thuộc huyện Núi Thành).
(10) Ranh giới phía bắc cho tới ranh giới phía nam của tỉnh theo quốc lộ hiện nay là 158km. Bảy trạm đó là: Nam Chân, Nam Ô, Nam Giáng, Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Kỳ, Nam Vân.
(11) Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi Ngũ Hành Sơn (núi Non Nước ở Đà Nẵng) là một trong 36 động đẹp ở nước ta.
(12) Sông chảy dọc theo bờ biển từ Tam Kỳ đến Hội An.
(13) Từ khoa Mậu Tuất thời Minh Mạng đến khoa Nhâm Thìn thời Thành Thái, tỉnh Quảng Nam có 9 người đỗ tiến sĩ: Lê Thiện Trị, Nguyễn Bá Dực, Nguyễn Tường Phổ, Phạm Phú Thứ, Đỗ Thúc Tịnh, Phạm Đại Khuê, Trần Văn Dư, Nguyễn Thích, Hồ Trung Lượng và Phạm Như Xương (đỗ hoàng giáp).
(14) Phạm Phú Thứ đỗ song nguyên, Phạm Như Xương đỗ đình nguyên.
(15) Làng Cẩm Phô (Hội An) có Nguyễn Tường Vĩnh đỗ phó bảng và em là Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ. Làng Chiên Đàn (Tam Kỳ) có Nguyễn Dực đỗ phó bảng và em là Nguyễn Thích đỗ tiến sĩ.
(16) Rất nhiều trường hợp chẳng hạn làng Túy La có anh em Nguyễn Thành Ý, 5 người đỗ cử nhân và 3 người đỗ tú tài. Làng Bảo An có Phan Trân đỗ phó bảng, cha đỗ cử nhân và con đỗ tú tài.
(17) Đỗ Bố Y tức Đỗ Dụ người đời Tấn (Trung Hoa), làm quan ở Tương Dương, khai mương dẫn nước tưới ruộng. Tác giả ám chỉ đến việc làm của Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862) người quê huyện Hòa Vang (Quảng Nam) lúc làm quan ở Nam Trung khai mương dựng đập giúp dân.
(18) Thời kỳ đó có những võ tướng giỏi như Nguyễn Thành ở làng Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), Đặng Trị ở làng Đức Ký (huyện Điện Bàn), Ngô Vinh và Nguyễn Lễ ở làng Phi Phú (huyện Điện Bàn).
(19) Không rõ những nghệ nhân này ở địa phương nào.
(20) Đoàn Lệ Phi, đúng ra là Đoàn Quý Phi, nhũ danh là Đoàn Thị Ngọc, từ cô thôn nữ trồng dâu dệt lụa trở thành hậu của chúa Nguyễn Phúc Lan, quê hiện nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.
(21) Chuyện mê tín dị đoan nói rằng thầy phù thủy tên là Tạo có thuật dùng bùa
(22) Nam trân là trái loòng boong (loại dâu rừng nổi tiếng), cảm lãm là cây dầu trái, am la là xoài. Các sản vật này đều dâng tiến cho vua.
(23) Yến sào có chất lượng cao nhất Đông Nam Á, loại thức ăn cung đình. Mắm cá dãnh là một loại mắm ngon ở Hội An.
(25) Quảng Nam có nghề làm đường: đường bánh, đường phổi, đường phèn. Lại có nghề làm bánh đậu xanh (lục đậu) nổi tiếng.
(26) Cổ tháp tức La Tháp ở Duy Xuyên; Chiên Đàn, Khương Mỹ ở Tam Kỳ. Núi Ngọc ở Thăng Bình.
(27) Cầu Lai Viễn (Lai Viễn Kiều) là cầu Nhật Bản ở Hội An, được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII.
(29) Sư Nguyễn Tường khi gặp chúa Nguyễn Ánh cởi áo cà sa giúp chúa đánh Tây Sơn lấy lại QuảngNam. Trong trận đánh Bến Ván ông chiến thắng nhưng kích bị gãy đem chôn ở đó.
(31) Tương truyền Thượng Công (không rõ tên) có hai con trai chết trong núi, miếu thờ linh hiển. Đá Vọng Phu ở đầu cầu Bà Dũ.
(32) Ngày xưa, người Nhật, người Hoa, người Việt tin rằng ở ngoài biển có con cù là một loài thủy quái khi nó quẫy mình thì gây động đất. Để khống chế nó, người Hoa, người Minh Hương lập chùa thờ thần Bắc Đế và Cao Biền.
(33) Ở làng Chiêm Sơn, nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên có hai lăng mộ của các hoàng hậu chúa Nguyễn là Mạc Thị Giai và Đoàn Thị Ngọc, nay vẫn còn.
(34) Phước Lâm là một ngôi chùa cổ ở Hội An, xây từ thế kỷ XV.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp đầu tiên của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng năm 1858
Ở thế kỷ XIX, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của thực dân Pháp trong kế hoạch giành giật thị trường và mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Đà Nẵng được coi như một cửa ngõ chiến lược để xâm lược Việt Nam.

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng (8-3-1965)
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Sau khi đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa HAWK vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (nay thuộc quận Thanh Khê). Đến chiều cùng ngày, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn nói trên được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ được đưa vào miền Nam, trực tiếp tham chiến.

Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng (3-10-1888)
Dưới sức ép của thực dân Pháp, ngày 25-8-1883, triều đình Huế buộc phải ký với chúng "Hiệp ước hòa bình" (còn gọi là hiệp ước Harmand), qua đó chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc yêu cầu mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp sẽ được phép lập các khu nhượng địa (concession) ở đây. Cho đến bản Hiệp ước ký ngày 6-6-1884 (còn gọi là Hiệp ước Patenôtre) thì căn bản Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp dưới nhiều chế độ cai trị khác nhau

Cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân Đà Nẵng từ tháng 3 đến tháng 5-1966, đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam thời chống Mỹ
Do mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đám tay sai chóp bu của Mỹ ở Sài Gòn, cái gọi là “Hội đồng quân sự” do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu đã ra lệnh cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn I, ngày 10-3-1966. Nhận được tin Thi bị cách chức, vào lúc 17 giờ ngày 11-3-1966, khoảng 300 sĩ quan và binh lính thuộc phe cánh ông ta ở miền Trung họp mít tinh ở hội trường Trưng Vương (Đà Nẵng) “yêu cầu chính phủ trung ương phục chức cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi”, đồng thời thành lập “Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật” để làm áp lực với chính quyền trung ương.

Chiến thắng lịch sử trên đèo Hải Vân trong kháng chiến chống Pháp (24-1-1949)
Hải Vân, con đèo hùng vĩ và đẹp nhất nước, từng được sử sách xưa xếp vào loại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhưng đối với các đạo quân xâm lược, thì nơi đây đã ghi lại bao nỗi đau buồn.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!