Vụ thảm sát ở đập Vĩnh Trinh (Huyện Duy Xuyên) vào đêm 20-1-1955
Sau khi lập xong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến quận, tiểu khu, xã, sang đầu năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu thực hiện các chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm truy bức, tiêu diệt những người cộng sản, kể cả những người kháng chiến nhằm xóa sạch ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong dân chúng. Nhiều vụ giết người tập thể trên sông Vu Gia, sông Thu Bồn, ở đập Vĩnh Trinh, đập Thạch Bàn (Duy Xuyên), động Hà Sống (Đại Lộc). Hàng trăm người bị chôn sống trong những hố đào ở trường học Phước Đức (Quế Sơn), 21 người bị chôn sống ở Tất Viên (Thăng Bình), 31 người bị chôn sống ở bên Lò Vôi, Xuyên Trà (Duy Xuyên), hàng chục cán bộ, đảng viên bị chôn sống tại Cồn Ba Cây (Điện Nam), bãi sông Tư Phú (Điện Hồng); hơn 150 người bị chôn sống ở Giếng Lạng (Tam Kỳ). Riêng bọn Quốc dân đảng đã bắt và chôn sống 35 cán bộ tại hầm bẫy heo rừng ở Gò Vàng (Tiên Phước). Chỉ tính riêng 3 xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (Tiên Phước), địch đã giết 388 người, gồm đảng viên, cán bộ và quần chúng có tham gia cách mạng(1).
Trong những vụ tàn sát những người cách mạng và yêu nước điển hình nhất là vụ thảm sát ở đập Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên) vào đêm 28 tháng chạp cận Tết Ất Mùi (20-1-1955). Tính chất điển hình ở đây không phải ở số lượng vì số người bị giết chết có 38, mà ở thủ đoạn và hành vi tàn bạo dã man, tráo trở của kẻ địch bị lôi ra ánh sáng qua hàng trăm lá đơn của người dân tố cáo với Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến sau Hiệp định Genève ở Việt Nam. Tội ác giết người man rợ này đã gây một niềm xúc động trong đồng bào cả nước và bị phơi bày trước dư luận thế giới.
Còn khoảng ba, bốn ngày nửa là đến Tết Ất Mùi, Quận trưởng Duy Xuyên là Lê Đình Duyên cho người thông báo đến các trại giam sắp được trả tự do để về ăn Tết với gia đình. Trong những ngày này, việc tra tấn, đánh đập tù nhân cũng tạm ngừng.
Đến khoảng 8 giờ tối ngày 28 tháng chạp (tức ngày 21-1-1955) có hai chiếc xe GMC từ quận lỵ Duy Xuyên đến đỗ trước chùa Bà Giám. Chúng đọc danh sách từng người, khi họ vừa bước ra khỏi cửa nhà giam thì bị trói cắp ké hai tay ở sau lưng, rồi đẩy lên xe bịt bùng. Xe rồ máy chạy về phía đập Vĩnh Trinh.
Đến đây, theo lệnh của tên chỉ huy, bọn công an và công dân vụ lôi từng người bị trói, xô ngã ra khỏi xe từng người, rồi dùng báng súng đánh thục mạng vào đầu, vào sườn cho đến khi bất động. Những tên khác dùng dao xẻo mũi, cắt tai và móc mắt nạn nhân với thâm ý sau này dù phát hiện tử thi thì cũng khó mà nhận diện ra người thân để tố cáo. Chúng bỏ từng xác người vào bao tải, bỏ thêm những hòn đá lớn để tránh xác nổi phình lên vào những ngày sau.
Nhiều tiếng hô đả đảo, chửi vào mặt bọn sát nhân gian ác, những tiếng la hét vang dậy, nhưng chân tay họ bị trói, đành bất lực chịu chết một cách thảm khốc.
Sau khi dùng thuyền chở 37 cái xác chết, đúng ra là 38, vì có chị Phan Thị Diệu đang mang thai, ném xuống giữa hồ, đám tay sai xóa mọi vết tích, bóc sạch những vũng máu trên mặt đất để phi tang.
Trong khi đó, những gia đình có người thân ở tù chờ mỏi mắt vẫn không thấy người thân về sum hợp trong ba ngày Tết. Họ kéo nhau đến quận, đến các trại giam hỏi tin về những người chồng, người cha, người mẹ bị giam giữ thì được bọn lính trả lời là đã trả tự do cho họ về trước Tết.
Được tin báo của quần chúng có một số xác chết nổi lên trên mặt hồ Vĩnh Trinh. Lập tức các gia đình có người thân bị giam giữ biệt tích, những gia đình cơ sở cách mạng tập trung vào đập Vĩnh Trinh, tổ chức lội xuống hồ tìm vớt xác. 37 xác người đã sình lên, thối rữa, tay chân bị trói, da thịt lở loét, tai, mũi bị cắt, mắt bị khoét nên mặt đã bị biến dạng, làm cho người thân không còn nhận ra.
Những trai tráng khỏe mạnh đã lặn xuống nước vớt thêm nhiều xác nữa. Những xác chết ấy lần lượt được những người thân nhận ra, đưa về an táng. Những nạn nhân còn lại được đồng bào tổ chức mai táng dưới chân đồi thông, bên bờ đập.
Cơ sở của ta đã tìm cách ra Đà Nẵng đưa đơn tố cáo vụ thảm sát ở đập Vĩnh Trinh với Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến đóng tại đây, yêu cầu cử phái đoàn đến nơi xảy ra cuộc thảm sát điều tra làm rõ sự việc.
Báo chí, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã đưa tin vụ thảm sát phi nhân này ra trước dư luận thế giới. Ở miền Bắc, nhiều tổ chức đoàn thể, đồng hương đã tổ chức mít tinh tố cáo tội ác của địch, chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát của đồng bào Duy Xuyên.
Để ghi nhớ tội ác này, sau ngày giải phòng (30-4-1975), bên cạnh đập Vĩnh Trinh, một khu tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh được xây dựng, gồm một hồ nước vuông, mỗi cạnh dài 18m, trên mặt hồ nổi lên 38 đóa hoa sen, tượng trưng cho 38 sinh mạng bị sát hại (trong số đó có một búp sen chưa nở, thể hiện một thai nhi bị hại). Bên cạnh hồ sen là tượng một chiến sĩ cao 10m, hai tay bị trói sau lưng, dáng đứng hiên ngang, đầu ngẩng cao. Bên cạnh là tấm bia khắc họ tên những người đã hy sinh trong cuộc thảm sát ngày 20-1-1955.
(1) Các số liệu trên đây dẫn lại từ Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 369.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp đầu tiên của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng năm 1858
Ở thế kỷ XIX, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của thực dân Pháp trong kế hoạch giành giật thị trường và mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Đà Nẵng được coi như một cửa ngõ chiến lược để xâm lược Việt Nam.

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng (8-3-1965)
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Sau khi đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa HAWK vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (nay thuộc quận Thanh Khê). Đến chiều cùng ngày, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn nói trên được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ được đưa vào miền Nam, trực tiếp tham chiến.

Pháp lập thành phố nhượng địa Đà Nẵng (3-10-1888)
Dưới sức ép của thực dân Pháp, ngày 25-8-1883, triều đình Huế buộc phải ký với chúng "Hiệp ước hòa bình" (còn gọi là hiệp ước Harmand), qua đó chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Theo điều 6 và 7 của Hiệp ước này, ngoài việc yêu cầu mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp sẽ được phép lập các khu nhượng địa (concession) ở đây. Cho đến bản Hiệp ước ký ngày 6-6-1884 (còn gọi là Hiệp ước Patenôtre) thì căn bản Việt Nam đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp dưới nhiều chế độ cai trị khác nhau

Cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân Đà Nẵng từ tháng 3 đến tháng 5-1966, đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam thời chống Mỹ
Do mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ đám tay sai chóp bu của Mỹ ở Sài Gòn, cái gọi là “Hội đồng quân sự” do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu đã ra lệnh cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn I, ngày 10-3-1966. Nhận được tin Thi bị cách chức, vào lúc 17 giờ ngày 11-3-1966, khoảng 300 sĩ quan và binh lính thuộc phe cánh ông ta ở miền Trung họp mít tinh ở hội trường Trưng Vương (Đà Nẵng) “yêu cầu chính phủ trung ương phục chức cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi”, đồng thời thành lập “Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật” để làm áp lực với chính quyền trung ương.

Chiến thắng lịch sử trên đèo Hải Vân trong kháng chiến chống Pháp (24-1-1949)
Hải Vân, con đèo hùng vĩ và đẹp nhất nước, từng được sử sách xưa xếp vào loại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhưng đối với các đạo quân xâm lược, thì nơi đây đã ghi lại bao nỗi đau buồn.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!