Dấu lặng bên chân đèo đến mạch sống mới

Gần 13 năm trôi qua, kể từ ngày những con thuyền cuối cùng rời bến làng Vân, đưa bao phận người lặng lẽ từ chân đèo Hải Vân về định cư nơi phố thị. Đó không chỉ là một cuộc di dời, mà là cuộc chuyển mình lớn nhất đời người.

 

 

 

 

Tựa như một khúc trầm lặng giữa bản nhạc phát triển sôi động của Đà Nẵng, làng Vân từng là nơi in đậm dấu tích của một thời kỳ khốn khó, bị cách ly và quên lãng.

Nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân hiểm trở, làng như một ốc đảo tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thành phố. Không đường đi, không điện sáng, không nước sạch, cũng chẳng có lấy một trạm y tế hay mái trường tươm tất – nơi ấy chỉ có tiếng sóng vỗ mỏi mòn, và bóng dáng gầy gò của những con người từng bị cuộc đời quay lưng.

Những người dân làng Vân ngày trước mang trong mình căn bệnh phong, đây không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là vết cắt âm thầm trong tâm hồn. Bệnh phong khi ấy như một bản án vô hình, khiến bao mảnh đời bị kỳ thị, dè bỉu, và buộc phải rời xa cộng đồng.

Làng Vân ở dưới chân đèo Hải Vân

Ở đây, muốn ra khỏi làng, người ta phải vượt núi, băng rừng, hoặc đợi con nước lớn để chèo ghe vòng qua mỏm đá lởm chởm. Có những đứa trẻ sinh ra chưa một lần biết đến ánh đèn điện, có những người cả đời chưa đặt chân đến chợ phố.

Và rồi, năm 2012, làng nhỏ bên chân đèo ấy bước vào một khúc rẽ lớn của số phận. Với tầm nhìn nhân văn và quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn cơ, chính quyền thành phố đã triển khai một chủ trương đầy táo bạo và giàu tính lịch sử: di dời toàn bộ người dân làng Vân đến khu tái định cư mới thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, nơi mà họ có thể thực sự sống như những công dân đúng nghĩa.

Với nhiều người dân làng Vân lúc bấy giờ, không phải ai cũng dễ dàng buông bỏ mảnh đất từng che chở mình qua giông bão. Nhưng hơn ai hết, họ hiểu: cuộc sống cũ đã đến giới hạn của nó. Đói nghèo, bệnh tật, cô lập, tất cả như những vòng dây trói buộc và không thể đeo bám mãi họ và cả các thế hệ con cháu.

Hành trình di dời ấy không phải là cuộc ly hương, mà là cuộc hồi hương – trở về với xã hội, trở về với đời sống mà họ đã từng có. Tại phường Hòa Hiệp Nam, chính quyền thành phố đã chuẩn bị sẵn đất ở, xây dựng nhà cửa, mở trường học, kéo điện, dẫn nước, và quan trọng nhất – mở rộng vòng tay đón họ như những công dân bình thường, không còn phân biệt, kỳ thị.

 
 

Trong căn nhà giản dị ở tổ 9 (phường Hòa Hiệp Nam), nơi mà ông Nguyễn Văn Xứng đã sống hơn một thập kỷ qua,  ký ức về Làng Vân ngày cũ lại âm thầm trở về, như thể chưa từng rời xa.

Ở tuổi 88, nhưng ông vẫn nhớ như in thời còn sống ở làng Vân. “Khổ lắm chứ,” ông trầm giọng. “Lúc đó chẳng có gì, không điện, không đường, không nước sạch. Bệnh thì không thuốc, ra khỏi làng thì không ai dám lại gần. Mỗi lần mưa to gió lớn, nhìn quanh chỉ thấy bóng người lom khom bên vách đá, bữa đói bữa no. Bà con sống như bị thế giới lãng quên”.

Ông Xứng kể, ngày còn ở làng Vân, chuyện học hành đối với trẻ nhỏ gần như là điều xa vời. Phần lớn cha mẹ đều nghèo đến mức cái ăn, cái mặc còn không đủ, huống hồ nghĩ đến việc gửi con đến trường.

Những đứa trẻ lớn lên như cây cỏ nơi rừng núi: tự sinh, tự dưỡng, tự hiểu đời bằng những va chạm sớm. Không bảng đen, phấn trắng, cũng chẳng có tiếng trống trường vang lên mỗi sáng. Tụi nhỏ chỉ quen với tiếng sóng vỗ vào đá, quen với dáng mẹ lom khom bên bếp, cha hằn nắng gió trên lưng áo. Tuổi thơ của chúng bị bó hẹp bởi địa hình khắc nghiệt, bởi bệnh tật và định kiến – những thứ như gió biển, mặn chát mà bám riết lấy đời người.

Thế nên, với ông Xứng, cuộc di dời lịch sử đưa người dân về định cư ở phường Hòa Hiệp Nam không chỉ là chuyển chỗ ở mà đó là hành trình thay đổi số phận. Nhà cửa khang trang mọc lên, điện sáng về từng con hẻm, trường học mở cửa chào đón lũ trẻ vốn chưa từng được gọi tên trong danh sách lớp.

Ông Xứng nhớ lại, từ ngày ở làng Vân về tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, ông còn khỏe mạnh, ông bắt đầu lại nhịp sống thường ngày với một tinh thần nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.

Ở vùng đất mới, không còn rào cản vô hình của định kiến ngày xưa, ông tự do làm những việc mình yêu thích. Điều ông trân trọng nhất không phải là vật chất đủ đầy, mà là cảm giác được sống giữa cộng đồng như bao người, bình thường mà trọn vẹn.

 

 

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, ông Nguyễn Văn Xứng không giấu được xúc động. Với ông, cuộc sống hiện tại là điều mà cả đời trước chưa từng dám mơ. Từ chỗ không điện, không đường, không ai dám đến gần vì sợ bệnh phong, nay ông sống được trong một khu phố khang trang. Từng ngọn đèn đường, từng viên gạch lát sân, từng chính sách hỗ trợ nhỏ bé cũng đủ để ông ghi lòng tạc dạ.

“Tôi vô cùng biết ơn lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, chính quyền địa phương đã quan tâm để người dân làng Vân tạo dựng cuộc sống mới. Người dân giờ đây có nhà cửa đàng hoàng, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh: từ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội,…trẻ con được đến trường. Chính quyền không chỉ đưa dân làng Vân về phố, mà còn đưa họ về với một cuộc sống đúng nghĩa”, ông nói, giọng chậm rãi nhưng chắc nịch.

Ở tuổi gần đất xa trời, ông Nguyễn Văn Xứng không mong cầu gì cao xa. Nhưng mỗi lần nghe tin tức về những dự án lớn của thành phố, ánh mắt ông lại ánh lên niềm vui lặng lẽ. Ông mừng vì Đà Nẵng – một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương ngày một phát triển mạnh mẽ.

Những dự án trọng điểm được triển khai, nhiều tuyến đường mới nối dài, đặc biệt là cảng biển Liên Chiểu – dự án chiến lược đang dần hình thành ngay trên vùng đất ông đang sống. Tất cả như minh chứng cho sự chuyển mình, phát triển không chỉ của thành phố, mà còn của chính cuộc đời ông và cộng đồng làng Vân năm xưa.

“Tôi mong có thể sống thêm vài năm nữa để chứng kiến vùng đất này chuyển mình mạnh mẽ cùng thành phố. Hơn hết là có thể được tận hưởng thành quả phát triển mà bao người đã vun đắp. Tôi mừng vì thế hệ sau được lớn lên giữa một thành phố năng động, phát triển và rực rỡ hơn từng ngày”, ông bày tỏ.

Cũng như ông Xứng, bà Nguyễn Thị Thuần (71 tuổi) giờ sống yên bình trong căn nhà nhỏ tại tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam. Mỗi ngày, bà ngồi bên khung cửa, tay thoăn thoắt lướt kim qua từng nếp vải. Với bà, nghề may vá không chỉ là cách kiếm sống sau khi rời làng cũ, mà còn là cách để tự vá lại chính cuộc đời mình sau những năm tháng khó nhọc, những đoạn đời đầy sương gió.

Bà kể, ngày còn ở làng Vân, cuộc sống như bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Địa hình hiểm trở, bao quanh là núi và biển. Đi chợ mua một bó rau đã khó, huống gì mỗi lần con đau ốm, đưa được con đến bệnh viện là cả một hành trình cam go, phải vượt đèo, vượt sóng.

Về tái định cư ở Hòa Hiệp Nam, bà không còn cảnh bồng bế con lội suối trèo đèo, không còn canh cánh nỗi lo mỗi khi trái gió trở trời. Đường sá bằng phẳng, xe cộ thuận tiện, con được đến trường, có thể mơ những giấc mơ xa hơn mà chính bà chưa từng dám nghĩ.

Mỗi mùa bão về, bà không còn thức trắng đêm co ro ôm lấy đứa nhỏ, lắng tai nghe từng tiếng gió rít mà lòng run lên vì sợ hãi. Ở đây, luôn có người gõ cửa hỏi han, có cán bộ đến từng nhà nhắc nhở phòng chống, thậm chí dựng lại mái che bị tốc giúp bà mà chẳng cần lời nhờ.

 

“Những dịp lễ Tết, chính quyền địa phương luôn đến nhà tôi thăm hỏi, động viên và tặng quà. Thi thoảng, có các đoàn thiện nguyện ghé qua, tay xách quà, mang theo lời chúc ấm áp. Tôi mong trong tương lai, khu này sẽ phát triển hơn để người dân, nhất là tụi nhỏ có có thêm công ăn việc làm, cơ hội sống đủ đầy hơn", bà nói.

Có lẽ, với bà Thuần hay nhiều người dân khác từng sống ở làng Vân, bóng dáng ngôi làng cũ vẫn luôn ở trong tim – như một mảnh ký ức chẳng thể phai. Nhưng thay vì đau đáu với những gì đã qua, họ chọn cách hồi sinh.

Hồi sinh giữa đất mới bằng những điều bình dị, một mái nhà vững vàng hơn, một công việc dù giản đơn, những đứa trẻ được cắp sách tới trường. Hơn hết, là một chỗ đứng giữa cộng đồng, nơi họ được nhìn thấy, được gọi tên, và được lắng nghe như bao người khác.

Làng Vân của ngày xưa, giờ đã hóa thành một phần ký ức. Ký ức ấy không còn nặng nề, mà trở thành nền móng cho một cuộc sống mới: đủ đầy, hòa nhập, yên vui. Người ta hay nói về sự hồi sinh như một phép màu, nhưng với những người dân ở làng Vân, hồi sinh đến từ những quyết sách từ trái tim, từ mệnh lệnh cuộc sống của cả một thành phố.

Làng Vân của một tương lai không xa sẽ dần hình thành khu du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên phục vụ nhu cầu du lịch, sinh sống của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước với không gian kiến trúc văn minh, hiện đại ở phía Nam đèo Hải Vân.

 

 

THỦY THANH- HOÀNG PHAN

Tin tức - sự kiện

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025

Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình triển khai Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 vào chiều 14-5.

Phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với Hải Vân Quan

Từ tình trạng xuống cấp, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào, di tích Hải Vân Quan đã thật sự hồi sinh sau “cái bắt tay lịch sử” của Đà Nẵng và Huế, khẳng định vị trí quan trọng trên "Con đường di sản miền Trung" và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Từ ký ức rực sáng đến tương lai chuyển mình

Từng nổi danh khắp miền Trung với nghề làm pháo truyền thống, Nam Ô – ngôi làng ven biển phía Tây Bắc Đà Nẵng, nay đang bước vào hành trình chuyển mình mạnh mẽ với bước phát triển trung tâm công nghiệp, logistics và Khu thương mại tự do của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Hối hả trên các công trình trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc thành phố

Trên những công trình trọng điểm, động lực tại quận Liên Chiểu, không khí lao động ra rất rộn ràng, khẩn trương. Các nhà thầu, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, máy móc chuyên dụng hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ - chất lượng - hiệu quả.

Sức mạnh đồng thuận nhìn từ Liên Chiểu

Nằm ở cửa ngõ Tây bắc thành phố Đà Nẵng, quận Liên Chiểu là địa bàn có vị trí tương đối thuận lợi khi vừa có sông, có núi, có biển. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, chính quyền và người dân địa phương đã phát huy sức mạnh đồng thuận, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc thành phố hôm nay, những công trình, siêu dự án mang tầm cỡ quốc tế đang ngày đêm hối hả thi công, mang theo bao kỳ vọng của các cấp chính quyền thành phố và người dân về một Liên Chiểu bứt phá, phát triển thịnh vượng trong tương lai không xa.

Xuất bản thông tin

Navigation Menu

Navigation Menu