Sức mạnh đồng thuận nhìn từ Liên Chiểu
Nằm ở cửa ngõ Tây bắc thành phố Đà Nẵng, quận Liên Chiểu là địa bàn có vị trí tương đối thuận lợi khi vừa có sông, có núi, có biển. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, chính quyền và người dân địa phương đã phát huy sức mạnh đồng thuận, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc thành phố hôm nay, những công trình, siêu dự án mang tầm cỡ quốc tế đang ngày đêm hối hả thi công, mang theo bao kỳ vọng của các cấp chính quyền thành phố và người dân về một Liên Chiểu bứt phá, phát triển thịnh vượng trong tương lai không xa.
Vươn mình trở thành đô thị loại I từ vùng đất thuần nông
Thành lập năm 1997 từ 3 xã: Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Minh thuộc huyện Hòa Vang, 80% người dân quận Liên Chiểu lúc bấy giờ đều lấy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ làm nguồn thu chủ đạo, cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn.
Từ chủ trương, chính sách đô thị hóa của thành phố, người dân quận Liên Chiểu đã đồng thuận nhường đất cho các dự án để địa phương mở rộng không gian đô thị, nâng cấp hạ tầng giao thông. Lần lượt các công trình giao thông huyết mạch, dự án lớn tiếp nhau khánh thành như: Cầu vượt Ngã ba Huế, đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Tất Thành, Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Khu đô thị Golden Hills Đà Nẵng, Mikazuki Japenese Resort&Spa Đà Nẵng…đã tạo xung lực để Liên Chiểu phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Nhờ đó, số thu ngân sách nhà nước tại quận Liên Chiểu tăng nhanh qua từng năm, người dân dần có nơi ở khang trang, có việc làm ổn định. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, năm 2017, Liên Chiểu là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được Bộ Nội vụ điều chỉnh, phân loại đơn vị hành chính từ loại 2 lên loại 1 (theo Quyết định số 1908/QĐ-BNV ngày 31-5-2017).
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho biết, năm 2024, quận thu ngân sách nhà nước đạt gần 959,6 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với thời điểm mới thành lập. Hiện toàn quận có hơn 500 tuyến đường được đặt tên; gần 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định.
“Việc phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông và đô thị đã tạo nên lực hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về Liên Chiểu đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đó tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống cho người dân địa phương.” - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ, chia sẻ.
Những công trình mang tầm chiến lược
Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương và thành phố chọn Liên Chiểu là nơi triển khai nhiều công trình, dự án mang tính chiến lược cho Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung. Cửa ngõ Tây Bắc thành phố có vị trí địa chiến lược về kinh tế và có một bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc hàng trăm năm.
Cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân với tổng vốn đầu tư hơn 44 ngàn tỷ đồng, diện tích 515 ha. Cùng với khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Mikazuki Japenese Resort&Spa Đà Nẵng, du lịch sinh thái sông Cu Đê, đèo Hải Vân, thắng cảnh Nam Ô…Các dự án này sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn của Đà Nẵng trong mắt các du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nằm trong diện giải tỏa Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân, năm 2024, gia đình ông Nguyễn Sơn có 275,7m2 diện tích đất thu hồi tại phường Hòa Hiệp Bắc. Qua xem xét tính pháp lý và hoàn cảnh gia đình, Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu đã giải quyết chính sách đền bù phù hợp, đảm bảo gia đình sớm ổn định cuộc sống. "Gia đình chúng tôi rất hài lòng với cách giải quyết hợp tình, hợp lý của chính quyền. Từ đây, chúng tôi sẽ có được nơi ở mới khang trang hơn, công việc sẽ ổn định hơn. Cũng mong dự án sẽ nhanh chóng hoàn thành để sớm ổn định cuộc sống người dân." - ông Sơn tâm sự.
Phó Ban Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu Nguyễn Minh Toàn cho biết, năm 2025, toàn quận có 17/26 công trình hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, Dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân có 2.057 hồ sơ giải tỏa ở cả hai giai đoạn, riêng giai đoạn 2 có 668 hồ sơ và 3.300 ngôi mộ. Để đẩy nhanh tiến độ, từ đầu năm 2025 đến nay, quận Liên Chiểu đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan của thành phố thực hiện các bước giải tỏa đền bù dự án theo quy định.
Cư trú ổn định trên căn nhà 346,7m2 tại phường Hòa Hiệp Bắc từ bao đời, năm 2024, gia đình bà Hồ Thị Kim Hoa đồng thuận bàn giao 201,6m2 để nhà đầu tư sớm triển khai Dự án Đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu. “Từ vận động, giải thích đến triển khai áp giá, đền bù, gia đình chúng tôi thấy cách làm của chính quyền rất minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho dân. Là người con của Liên Chiểu, chúng tôi nao nức được thấy Cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động để thấy quê hương từng ngày phát triển, con cháu có điều kiện được sinh sống, học tập và làm việc trên mảnh đất giàu tiềm năng.” - bà Hoa, chia sẻ.
Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2023. Đến nay đã xong khâu giải phóng mặt bằng, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2025. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong kết nối cảng Liên Chiểu vào hệ thống giao thông quốc gia như: Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam…nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo ưu thế tiếp cận chiến lược, đa phương thức, khẳng định định hướng khai thác cảng Liên Chiểu xứng tầm vị thế cảng đặc biệt trong tương lai.
Những đổi thay ở Liên Chiểu hôm nay và kỳ vọng về một tương lai phát triển thịnh vượng nơi cửa ngõ Tây Bắc thành phố đang rõ nét hơn bao giờ hết từ những chủ trương, quyết sách của Trung ương, thành phố và sức mạnh đồng thuận của mỗi người dân nơi đây.
ĐỨC NGÔ - KIM HIẾU
Đánh giá bài viết:
Tin tức - sự kiện
Đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình triển khai Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 vào chiều 14-5.
Phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với Hải Vân Quan
Từ tình trạng xuống cấp, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào, di tích Hải Vân Quan đã thật sự hồi sinh sau “cái bắt tay lịch sử” của Đà Nẵng và Huế, khẳng định vị trí quan trọng trên "Con đường di sản miền Trung" và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Dấu lặng bên chân đèo đến mạch sống mới
Gần 13 năm trôi qua, kể từ ngày những con thuyền cuối cùng rời bến làng Vân, đưa bao phận người lặng lẽ từ chân đèo Hải Vân về định cư nơi phố thị. Đó không chỉ là một cuộc di dời, mà là cuộc chuyển mình lớn nhất đời người.
Từ ký ức rực sáng đến tương lai chuyển mình
Từng nổi danh khắp miền Trung với nghề làm pháo truyền thống, Nam Ô – ngôi làng ven biển phía Tây Bắc Đà Nẵng, nay đang bước vào hành trình chuyển mình mạnh mẽ với bước phát triển trung tâm công nghiệp, logistics và Khu thương mại tự do của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Hối hả trên các công trình trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc thành phố
Trên những công trình trọng điểm, động lực tại quận Liên Chiểu, không khí lao động ra rất rộn ràng, khẩn trương. Các nhà thầu, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, máy móc chuyên dụng hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ - chất lượng - hiệu quả.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!