Phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với Hải Vân Quan
Từ tình trạng xuống cấp, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào, di tích Hải Vân Quan đã thật sự hồi sinh sau “cái bắt tay lịch sử” của Đà Nẵng và Huế, khẳng định vị trí quan trọng trên "Con đường di sản miền Trung" và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
“Cái bắt tay lịch sử” hồi sinh Hải Vân Quan
Di tích Hải Vân Quan là "chứng nhân" nhiều trận chiến khốc liệt trong chiến tranh vệ quốc của nhiều thế hệ Việt Nam. Hải Vân Quan cũng chịu sự tác động từ khí hậu khắc nghiệt đã khiến hệ thống công trình này bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trong ký ức của nhiều người vẫn còn ám ảnh, xót xa bởi sự xuống cấp, ô nhiễm, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào của Hải Vân Quan khoảng dăm mười năm trước.
Những năm 2016 trở về trước, Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và Đà Nẵng đều coi Hải Vân quan là của mình bởi địa giới hành chính giữa hai địa phương chưa được xác định cụ thể.

Nhắc đến di tích Hải Vân Quan, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng tâm sự, vì di tích nằm ở ranh giới giữa 2 địa phương nên để công nhận cho một địa phương là Huế hay Đà Nẵng sẽ rất khó. Lãnh đạo Cục di sản văn hóa cũng gợi ý về sự chung tay của hai địa phương.
Nhận thức rõ giá trị của Hải Vân Quan, chính quyền hai địa phương đánh giá nơi đây là một tài nguyên du lịch độc đáo, trở thành "mỏ vàng" nếu được quản lý và khai thác một cách khoa học, hiệu quả.
Giữa tháng 12-2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa và Thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành phố Đà Nẵng thực hiện “một cái bắt tay lịch sử” để hồi sinh di tích thông qua việc xếp hạng và triển khai dự án trùng tu, bảo tồn Hải Vân Quan.
Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan khởi công từ ngày 19-12-2021 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, mỗi địa phương đóng góp 50% từ nguồn ngân sách.
Đầu tháng 8-2024, di tích mở cửa đón khách tham quan. Đến cuối năm 2024, dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan chính thức hoàn thành, đánh dấu một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản.
Công trình được xem là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi: “Di tích quốc gia Hải Vân Quan là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương. Đây cũng là cầu nối đặc biệt trong hợp tác, liên kết vùng nói chung, hợp tác trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội giữa hai địa phương”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan hoàn thành đưa vào hoạt động chính là sự nỗ lực cao và là biểu tượng đoàn kết giữa hai địa phương để cùng nhau thực hiện”.
Điểm du lịch hấp dẫn
Trong đợt trùng tu kéo dài 3 năm (2021-2024), Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan tập trung vào việc phục hồi toàn diện các công trình kiến trúc, nhằm tái hiện vẻ đẹp và giá trị lịch sử của di tích.
Trên cơ sở đó, hai địa phương Huế và Đà Nẵng đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, Huế đã triển khai các hoạt động phục vụ, thu hút du khách như thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích quốc gia Hải Vân Quan.

Hai địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, như triển khai ứng dụng công nghệ (3D), phủ sóng Wifi miễn phí tại điểm tham quan nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản, cập nhật kịp thời các dịch vụ, tiện ích hiện có trong hành trình tham quan di tích quốc gia Hải Vân Quan.
Cùng với đó là phối hợp Khu Quản lý đường bộ tổ chức giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua Hải Vân Quan; triển khai các hạng mục phụ trợ, đặc biệt là khu vực hậu cần dịch vụ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn và không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm phục vụ khách đến tham quan…
Ngay sau khi hoàn tất công tác trùng tu, Hải Vân Quan đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, điểm dừng chân thú vị khi du khách đến với thành phố Đà Nẵng.
Chỉ trong tháng đầu tiên sau khi mở cửa đón khách (từ ngày 1/8/2024 – 9/9/2024), đã có 78.306 lượt khách đến tham quan di tích Hải Vân Quan. Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025 hay trong các đợt nghỉ lễ, lượng khách đổ về Hải Vân Quan tăng gấp 2 - 3 so với ngày thường.
Để phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, hiện, Đà Nẵng và Huế vẫn đang tích cực phối hợp trong công tác quản lý. Bước đầu, lãnh đạo hai địa phương thống nhất sớm triển khai các hạng mục phụ trợ, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm...
Trong giai đoạn chưa bán vé tham quan, đơn vị quản lý trực tiếp di tích là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu.
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước di tích quốc gia Hải Vân Quan theo quy định. Dự kiến, khi tổ chức bán vé tham quan, UBND quận Liên Chiểu và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện nguyên tắc luân phiên quản lý trong 3 năm (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý và khai thác di tích 3 năm đầu tiên, UBND quận Liên Chiểu quản lý và khai thác di tích trong 3 năm kế tiếp).
Hải Vân Quan kết hợp cùng với các điểm du lịch của quận Liên Chiểu sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên với du khách khi đến với vùng đất phía Tây Bắc thành phố.

Từ Hải Vân Quan, một cảnh tượng hoành tráng mở ra trước mặt du khách với những triền núi, vịnh biển và những con đường quanh co, khúc khuỷu theo triền dốc như một dải lụa
Từ độ cao 490m so với mực nước biển, một cảnh tượng hoành tráng mở ra trước mặt du khách với những triền núi, vịnh biển và những con đường quanh co, khúc khuỷu theo triền dốc như một dải lụa. Từ Hải Vân Quan, phóng tầm mắt ra phía Bắc là những rặng núi xanh lam trùng điệp tiếp nối nhau; nhìn vào phía Nam là Vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, rồi thành phố Đà Nẵng, Cù Lao Chàm xa xa ẩn hiện.
Đi trên con đường vắt qua triền Hải Vân, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, được thưởng thức những phong cảnh tuyệt vời trên dọc đường thiên lý.
Ngay phía bên dưới đèo Hải Vân là làng Vân với đường bờ biển dài, bãi cát trắng và phong cảnh nên thơ thích hợp cho du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Cách đó không xa là làng chài Nam Ô với nghề làm nước mắm nổi tiếng, lễ hội cầu ngư... và gắn với đó là một không gian văn hóa, lối sinh hoạt còn giữ nguyên đặc điểm của một ngôi làng chài truyền thống. Tất cả sẽ tạo nên một sự kết hợp và luân chuyển hoàn hảo giữa các hình thức du lịch khám phá - nghỉ dưỡng - trải nghiệm… cho du khách.
Hải Vân Quan hôm nay vẫn hùng vĩ, sừng sững giữa đất trời nhưng đã khoác lên mình diện mạo mới, phát huy giá trị vốn có của di tích được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Sự hồi sinh của Hải Vân Quan đã đánh dấu một hành trình mới của di tích trong phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
HOÀNG PHAN – THANH NGUYÊN
Đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình triển khai Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 vào chiều 14-5.
Dấu lặng bên chân đèo đến mạch sống mới
Gần 13 năm trôi qua, kể từ ngày những con thuyền cuối cùng rời bến làng Vân, đưa bao phận người lặng lẽ từ chân đèo Hải Vân về định cư nơi phố thị. Đó không chỉ là một cuộc di dời, mà là cuộc chuyển mình lớn nhất đời người.
Từ ký ức rực sáng đến tương lai chuyển mình
Từng nổi danh khắp miền Trung với nghề làm pháo truyền thống, Nam Ô – ngôi làng ven biển phía Tây Bắc Đà Nẵng, nay đang bước vào hành trình chuyển mình mạnh mẽ với bước phát triển trung tâm công nghiệp, logistics và Khu thương mại tự do của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Hối hả trên các công trình trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc thành phố
Trên những công trình trọng điểm, động lực tại quận Liên Chiểu, không khí lao động ra rất rộn ràng, khẩn trương. Các nhà thầu, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, máy móc chuyên dụng hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ - chất lượng - hiệu quả.
Sức mạnh đồng thuận nhìn từ Liên Chiểu
Nằm ở cửa ngõ Tây bắc thành phố Đà Nẵng, quận Liên Chiểu là địa bàn có vị trí tương đối thuận lợi khi vừa có sông, có núi, có biển. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, chính quyền và người dân địa phương đã phát huy sức mạnh đồng thuận, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc thành phố hôm nay, những công trình, siêu dự án mang tầm cỡ quốc tế đang ngày đêm hối hả thi công, mang theo bao kỳ vọng của các cấp chính quyền thành phố và người dân về một Liên Chiểu bứt phá, phát triển thịnh vượng trong tương lai không xa.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!