Đường Bạch Đằng - con đường nối liền quá khứ và hiện tại
Chạy vòng cung theo bờ Tây của sông Hàn ra đến cửa sông, đường Bạch Đằng cũ thời Pháp thuộc có tên là Quai Courbet, từ năm 1955 được đổi tên thành Bạch Đằng cho đến ngày nay. Trải qua nhiều lần sữa chữa, nâng cấp, mở rộng, đường Bạch Đằng ngày nay mang một diện mạo khang trang, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét thơ mộng, hoài cổ.
Đường Bạch Đằng luôn khang trang, sạch đẹp, rợp bóng cây
Với mong muốn cải tạo tuyến đường quan trọng và có nhiều ý nghĩa này thành nơi có vị trí cảnh quan quan trọng nhất của thành phố; hình thành tuyến cảnh quan liên tục dọc theo bờ sông Hàn, tạo một không gian sinh hoạt cộng đồng đặc sắc cho nhân dân thành phố; tạo một điểm tham quan du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi có ý nghĩa, góp phần phát triển ngành du lịch địa phương;... Đà Nẵng đã thành công trong việc "lấn sông" bằng những điểm nhấn “công viên bờ sông” tại các khu vực như: trước Cổ Viện Chàm và Đài Truyền Hình Đà Nẵng, đầu đường Lê Hồng Phong, trước Chợ Hàn, trước UBND thành phố,... Mỗi điểm nhấn là một công viên được trang trí bằng các sản phẩm điêu khắc đá Non Nước đặc trưng của thành phố, bằng ghế đá, thảm hoa, cây xanh, tạo nên không gian nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho mọi người dân thành phố, điểm dừng chân ngắm cảnh tuyệt vời cho du khách. Các công viên bờ sông này cũng là địa điểm tổ chức những chương trình, lễ hội vui chơi, giải trí như: chương trình Âm nhạc đường phố, triển lãm ảnh, triển lãm điêu khắc,... Không thể không nhắc đến những cây cầu bắc qua sông Hàn, điều làm nên nét riêng của đường Bạch Đằng so với bất kỳ đường phố nào của Đà Nẵng. Cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý,... mỗi cây cầu là một cột mốc đánh dấu sự phát phát triển, vươn lên của thành phố.
... và lung linh, rực sáng vào ban đêm
Nằm ở một trong những vị trí đẹp nhất của Đà Nẵng, được ví như chiếc ban công của thành phố, đường Bạch Đằng hầu như không bao giờ vắng bóng người qua lại. Từ buổi sáng sớm tinh mơ, đoạn đường có chợ Hàn đã tấp nập người mua bán giao nhận hàng hóa; những người dân thành phố sống ở những khu vực gần đó đều rủ nhau ra bờ sông Hàn tập thể dục, tản bộ để hít thở không khí trong lành. Nơi đây đặc biệt nhộn nhịp bắt đầu từ buổi chiều đến đêm. Người già đến đây để thư giãn, đánh cờ, ngắm dòng sông, ngắm phố xá,...; các gia đình dẫn trẻ đến đây để nô đùa, vui chơi, chụp ảnh lưu niệm,...; thanh thiếu niên đến đây tham gia các hoạt động vui chơi nghệ thuật như: vẽ tranh, ký họa, biểu diễn nghệ thuật đường phố,... Đặc biệt, vào những dịp lễ hội, đường Bạch Đằng được trang hoàng lộng lẫy, lung linh ánh đèn, sáng rực cả một góc thành phố.
Điều làm cho du khách yêu thích, người dân thành phố tự hào về đường Bạch Đằng không chỉ nằm ở sự hiện đại, khang trang, mà còn nằm ở nét kiến trúc Pháp thanh lịch, sang trọng của thế kỷ trước còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay của những tòa nhà nằm dọc trên con đường này, như tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố, tòa nhà Nhà hàng Tourane, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm,...
Tòa nhà Nhà hàng Tourane, một trong những tòa nhà còn giữ nguyên vẹn kiến trúc của thế kỷ trước
Như đã thành thông lệ, du khách đến với Đà Nẵng, điều đầu tiên là dạo một vòng đường Bạch Đằng, để ngắm nhìn những tòa nhà, ngắm nhìn những cây cầu, ngắm nhìn con người nơi đây, để cảm nhận được hơi thở cuộc sống của một thành phố trẻ, năng động đang hướng đến tương lai.
NGÔ HUYỀN
Cầu Sông Hàn- niềm tự hào của người dân Đà Nẵng
Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã khởi công xây dựng cầu Sông Hàn – một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó. Đây không chỉ là công trình chào mừng thiên niên kỷ thứ ba mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.
Công viên 29-3 – Lá phổi xanh quý giá của thành phố
Công viên 29/3 trước năm 1975 được xem như khu vực bãi rác trung tâm của cả thành phố. Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên thành phố đã phát động chiến dịch dọn bãi rác xây dựng công viên. Trên bãi rác khổng lồ ngày ấy, từng nhát cuốc của đoàn viên thanh niên phát đến đâu, từng mầm xanh được gieo xuống và đã không ngừng nảy nở, sinh sôi, vươn lên giữa hoang tàn, làm nên một không gian xanh công cộng giữa lòng thành phố ngày nay.
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Nơi giữ gìn, tôn vinh nét đẹp văn hóa quê hương
Cùng với những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, người dân Đà Nẵng cũng luôn ý thức được được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của địa phương, của dân tộc. Việc Đà Nẵng đầu tư xây dựng một nhà hát tuồng quy mô, bài bản, chuyên nghiệp ngay giữa lòng thành phố chính là một minh chứng cho tinh thần đó.
Cầu Thuận Phước – dải lụa nối đôi bờ sông Hàn
Một trong những điểm nhấn nổi bật của thành phố Đà Nẵng là những chiếc cầu nối liền đôi bờ sông Hàn. Bởi lẽ không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn mà còn kết nối giao thương, tạo đà cho phát triển kinh tế, đồng thời tạo nên nét riêng cho thành phố với những kiến trúc mới lạ, ý tưởng thiết kế độc đáo. Không những thế, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn, những chiếc cầu trở nên rực rỡ hơn dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ quyến rũ của một thành phố trẻ năng động. Một trong số đó phải kể đến cầu Thuận Phước – cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam.
Nhà hát Trưng Vương trong lòng người Đà Nẵng
Có lẽ bất kỳ người dân Đà Nẵng nào khi được hỏi về các địa điểm quen thuộc, gắn liền với thành phố từ nhiều năm qua sẽ không ngần ngại kể tên các điểm như chợ Cồn, chợ Hàn hay nhà hát Trưng Vương. Bởi đây là những hình ảnh hết sức gần gũi, thân thuộc với người dân thành phố. Trong số đó, nhà hát Trưng Vương đối với người Đà Nẵng là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật lâu đời, gắn liền với sự phát triển của thành phố qua nhiều giai đoạn.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!