Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng 15-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hoàng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, thực hiện Kế hoạch số 60 ngày 6-5-2025 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, và chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ về tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo Kế hoạch số 5 ngày 5-5-2025 của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận các cấp, tập trung theo 3 hình thức: góp ý kiến trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý kiến trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, MTTQ Việt Nam các cấp, trong khoảng thời gian từ ngày 6-5-2025 đến ngày 20-5-2025.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, việc sửa đổi Hiến pháp là để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung gồm có 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp; Điều 2 hiệu lực thi hành, các quy định liên quan sau khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện.
“Đây là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Những thay đổi không chỉ nhằm khắc phục những bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hoàng khẳng định.
Đồng thời nhấn mạnh, việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Trên tinh thần đó, hội nghị tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các nội dung cụ thể của từng điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung sâu vào các Điều liên quan trực tiếp đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên tại Điều 9, Điều 10 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị và các điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại các điều 84, 110, 111, 112, 114, 115.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã điều chỉnh theo hướng xác lập rõ hơn vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, đồng thời quy định các tổ chức chính trị – xã hội lớn như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là tổ chức trực thuộc Mặt trận và hoạt động dưới sự chủ trì thống nhất của Mặt trận.

“Quy định này giúp tăng tính phối hợp và đồng bộ trong hoạt động của các tổ chức đại diện quần chúng, song cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm tính độc lập tương đối của các tổ chức này, nhằm giữ vững vai trò phản biện xã hội, đại diện cho lợi ích riêng biệt của từng nhóm xã hội. Nếu không được quy định rõ ràng và có cơ chế bảo đảm cụ thể, nguy cơ các tổ chức này bị hành chính hóa hoặc trở thành phụ thuộc về tổ chức và hoạt động là hiện hữu, ảnh hưởng đến tính hiệu quả, bản sắc và uy tín xã hội của chính các tổ chức này trong hệ thống chính trị”, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, việc xóa bỏ cấp hành chính huyện và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) như quy định trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một bước cải cách thể chế hành chính sâu rộng, thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong việc tinh gọn bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản trị quốc gia. Tuy nhiên, cần đánh giá toàn diện và thận trọng các tác động thực tiễn của chủ trương này trên nhiều khía cạnh.
Ông Nguyễn Bá Sơn kiến nghị, dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ chế phản biện độc lập của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp nhằm bảo đảm tính đa dạng, khách quan và khoa học trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Cũng như việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần được triển khai thận trọng, gắn với những khuyến nghị cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của cải cách thể chế.
Các ý kiến tại hội nghị đều cơ bản thống nhất với dự thảo sửa đổi, đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp là việc làm quan trọng, cần có sự thận trọng, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng và tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khi sửa Hiến pháp và triển khai thực hiện Hiến pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đảm bảo hoạt động của các tổ chức Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội độc lập tương đối như Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đồng thời hoạt động phải thông suốt và mạnh hơn so với khi chưa sáp nhập, hợp nhất.
Tham gia góp ý tại hội nghị, bà Hoàng Giang Yên Thuỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu cho rằng, điểm nổi bật trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này là về quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn và Hội Nông dân, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn. Tuy nhiên, có một số từ ngữ trong nội dung sửa đổi Hiến pháp vẫn còn chưa thống nhất, đơn cử như vẫn còn dùng cụm từ “tổ chức xã hội”, “tổ chức xã hội khác”, nhưng lại không thấy cụm từ “các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đầy đủ.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu, nhân dân kỳ vọng rất nhiều vào cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy nói chung và MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng, để có sự chuyển biến thực sự về chất trong cấu trúc tổ chức và phương thức hoạt động. Do vậy, các cơ quan chức năng cần chú trọng đặc biệt trong việc hướng dẫn tổ chức bộ máy sau sắp xếp phải tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để MTTQ Việt Nam mở rộng đối tượng nhằm tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc toàn diện hơn; cần lựa chọn cán bộ làm công tác mặt trận bảo đảm thực hiện được vai trò, nhiệm vụ, đó phải là đội ngũ cán bộ có trình độ, am hiểu sâu sắc về công tác mặt trận, đoàn thể, có năng lực giải quyết, tham gia giải quyết các vấn đề mới, cấp bách của thực tiễn; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần dân, trọng dân, vì dân.
NGÔ HUYỀN
Đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025
Đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình triển khai Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2025 vào chiều 14-5.
Dấu lặng bên chân đèo đến mạch sống mới
Gần 13 năm trôi qua, kể từ ngày những con thuyền cuối cùng rời bến làng Vân, đưa bao phận người lặng lẽ từ chân đèo Hải Vân về định cư nơi phố thị. Đó không chỉ là một cuộc di dời, mà là cuộc chuyển mình lớn nhất đời người.
Phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với Hải Vân Quan
Từ tình trạng xuống cấp, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào, di tích Hải Vân Quan đã thật sự hồi sinh sau “cái bắt tay lịch sử” của Đà Nẵng và Huế, khẳng định vị trí quan trọng trên "Con đường di sản miền Trung" và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Từ ký ức rực sáng đến tương lai chuyển mình
Từng nổi danh khắp miền Trung với nghề làm pháo truyền thống, Nam Ô – ngôi làng ven biển phía Tây Bắc Đà Nẵng, nay đang bước vào hành trình chuyển mình mạnh mẽ với bước phát triển trung tâm công nghiệp, logistics và Khu thương mại tự do của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Hối hả trên các công trình trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc thành phố
Trên những công trình trọng điểm, động lực tại quận Liên Chiểu, không khí lao động ra rất rộn ràng, khẩn trương. Các nhà thầu, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, máy móc chuyên dụng hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ - chất lượng - hiệu quả.
Chưa có bình luận ý kiến bài viết!