Từ ký ức rực sáng đến tương lai chuyển mình

Từng nổi danh khắp miền Trung với nghề làm pháo truyền thống, Nam Ô – ngôi làng ven biển phía Tây Bắc Đà Nẵng, nay đang bước vào hành trình chuyển mình mạnh mẽ với bước phát triển trung tâm công nghiệp, logistics và Khu thương mại tự do của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

Một thời rực sáng

Trên mảnh đất ven biển phía Tây Bắc thành phố, làng Nam Ô từng được biết đến như một cái tên đầy tự hào: “Làng pháo Nam Ô” – nơi mà tiếng pháo nổ giòn tan vang vọng khắp vùng, không chỉ báo hiệu mùa lễ hội mà còn là thanh âm của một thời vàng son.

Dọc theo các con hẻm nhỏ quanh co, đâu đó trong từng mái nhà cũ, vẫn còn lưu giữ từng bức ảnh phai màu, ghi lại thời huy hoàng của làng pháo Nam Ô. Dù nghề đã lùi vào dĩ vãng, nhưng trong ký ức của những người cao niên, từng nếp gấp của làng nghề vẫn sống động như chưa từng xa rời.

Không ai nhớ chính xác nghề pháo bắt đầu từ khi nào. Có thể là từ thời nhà Trạm Nam Ô còn hoạt động, khi đất Nam Ô còn là điểm binh trấn ải trước làn sóng xâm lăng của thực dân Pháp năm 1858.

Làng Nam Ô bên vịnh Đà Nẵng.

Khi pháo hiệu từ kinh thành không kịp chuyển về, người dân làng dưới sự chỉ huy của vị thừa dịch nhà Trạm đã dùng thuốc súng tự chế tạo ra pháo tre thay thế. Qua thời chiến, những viên pháo ấy biến hóa thành dây pháo mừng xuân, gieo tiếng nổ tưng bừng trong lễ hội, ngày Tết như một biểu tượng văn hóa không thể thiếu.

Truyền thuyết làng nghề còn nhắc đến cụ Cửu Mai (người Quảng Ngãi), được xem là tổ nghề pháo Nam Ô. Năm 1934, cụ được triệu về kinh đô Huế để dựng giàn pháo trong đại lễ cưới vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Màn pháo hoa kỳ vĩ đã làm nức lòng hoàng triều và mang về cho cụ sắc phong Chánh Cửu phẩm.

Trở về làng, cụ dốc tâm hiến tặng giàn pháo hoa trong lễ khánh thành lăng Ông Ngư, một sự kiện được xem là khai sinh nghề pháo như một giá trị bản sắc của vùng đất này.

Không chỉ có cụ Cửu Mai, nhiều thế hệ nghệ nhân khác của làng cũng để lại dấu ấn, được người dân tôn vinh bằng những câu vè truyền đời:“Học trò của cụ Cửu Mai/Pháo hoa, pháo nổ trổ tài thấp cao...”. Những cái tên Trần Vinh, Trần Thiện, Trần Hào... mãi khắc ghi trong ký ức người dân như những người gìn giữ linh hồn của một làng nghề đặc biệt.

Nghề pháo Nam Ô nổi tiếng một thời

Nhưng rồi với Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 8-8-1994) về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, nghề pháo Nam Ô chính thức dừng lại.

Một chương sử đã khép, pháo cũng không còn nổ giữa lòng làng. Nhưng kỷ niệm thì còn mãi. Trong những buổi họp làng, khi tiếng trống rộn ràng vang lên từ đình làng hay mỗi độ Tết đến xuân về, người Nam Ô lại kể cho nhau nghe về cụ Cửu Mai, về giàn pháo lừng lẫy năm xưa, về những dây pháo dài như câu chuyện không dứt của một làng nghề từng chạm đỉnh vinh quang.

Nếu tiếng pháo năm xưa là âm thanh của ngày hội, thì hôm nay, tại mảnh đất Liên Chiểu, âm vang mới là tiếng máy móc thi công hạ tầng, là nhịp phát triển công nghiệp sôi động... Di sản làng pháo Nam Ô không chỉ nằm trong quá khứ mà nó chính là nền móng văn hóa tinh thần vững chãi, giúp người dân nơi đây vững bước trong công cuộc đổi mới.

Sự chuyển mình ấy không ngẫu nhiên, mà là kết quả của hàng loạt chủ trương chiến lược, từ đầu tư hạ tầng, quy hoạch công nghiệp đến hình thành các mô hình đô thị thông minh, trung tâm logistics và Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu. Đó là cách một vùng quê ven biển từng rực rỡ bởi nghề pháo đang bước vào thời kỳ phát triển hiện đại với khí thế mới, tầm nhìn mới.

Liên Chiểu trỗi dậy từ tầm nhìn chiến lược

Ngày nay, Liên Chiểu đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới của Đà Nẵng. Từ vùng ven trầm lặng, nơi đây đã trở thành một trung tâm công nghiệp – dịch vụ hiện đại, tập trung các ngành nghề trọng điểm.

Trung tâm của làn sóng phát triển đó chính là cảng Liên Chiểu, một trong ba cảng biển lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng. Với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, cảng này không chỉ giải tỏa áp lực cho cảng Tiên Sa mà còn đóng vai trò như cửa ngõ giao thương quốc tế của miền Trung.

Cùng với cảng là một chuỗi kết nối hạ tầng hiện đại, từ đường vành đai, khu công nghiệp đến trung tâm logistics – tạo nên một “mạch máu” lưu thông cho toàn khu vực.

Dự án bến Cảng Liên Chiểu được xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng

Đặc biệt, Đà Nẵng đang tiên phong với đề án thành lập Khu thương mại tự do. mô hình đột phá chiến lược theo Nghị quyết 136 của Quốc hội. Khu thương mại tự do sẽ gồm 10 khu vực không liền kề, trải dài khắp thành phố.Trong đó các khu chức năng liên quan đến logistics, sản xuất, kinh tế số và đổi mới sáng tạo sẽ tập trung tại quận Liên Chiểu – khu vực gắn trực tiếp với cảng biển.

Mô hình “khu trong khu” này không chỉ thừa hưởng ưu đãi về thuế, hải quan và thủ tục hành chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2029, các khu logistics, sản xuất và cảng Liên Chiểu sẽ được đẩy nhanh tiến độ hạ tầng, định hướng phát triển các ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Ngày nay, Liên Chiểu đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới của Đà Nẵng. Từ vùng ven trầm lặng, nơi đây đã trở thành một trung tâm công nghiệp – dịch vụ hiện đại, tập trung các ngành nghề trọng điểm.

Đến năm 2050, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng đóng góp đến 25% GRDP toàn thành phố, một con số ấn tượng khẳng định vai trò của vùng Tây Bắc trong chiến lược phát triển đô thị và kinh tế biển của Đà Nẵng.

Song song với phát triển kinh tế, Liên Chiểu còn chú trọng các chính sách an sinh xã hội. Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, nhiều công trình văn hóa, thể thao đã và đang được xây dựng như: Nhà văn hóa thiếu nhi, sân chơi cộng đồng, trung tâm đa chức năng... nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cải cách hành chính, tạo việc làm... giúp đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển mình.

Từ những dây pháo đỏ rực một thời rộn rã niềm vui lễ hội, Nam Ô đã viết nên trang đầu rực rỡ cho hành trình phát triển của vùng đất Liên Chiểu hôm nay. Dẫu nghề pháo đã lùi vào dĩ vãng, nhưng khí chất sáng tạo, tinh thần bền bỉ và niềm tự hào bản sắc của người dân nơi đây vẫn âm thầm thắp lửa cho một hành trình chuyển mình mạnh mẽ, đầy khí thế và kỳ vọng phía trước.

THANH HẢI

Tin tức - sự kiện

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Dấu lặng bên chân đèo đến mạch sống mới

Gần 13 năm trôi qua, kể từ ngày những con thuyền cuối cùng rời bến làng Vân, đưa bao phận người lặng lẽ từ chân đèo Hải Vân về định cư nơi phố thị. Đó không chỉ là một cuộc di dời, mà là cuộc chuyển mình lớn nhất đời người.

Sức mạnh đồng thuận nhìn từ Liên Chiểu

Nằm ở cửa ngõ Tây bắc thành phố Đà Nẵng, quận Liên Chiểu là địa bàn có vị trí tương đối thuận lợi khi vừa có sông, có núi, có biển. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, chính quyền và người dân địa phương đã phát huy sức mạnh đồng thuận, khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống. Về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc thành phố hôm nay, những công trình, siêu dự án mang tầm cỡ quốc tế đang ngày đêm hối hả thi công, mang theo bao kỳ vọng của các cấp chính quyền thành phố và người dân về một Liên Chiểu bứt phá, phát triển thịnh vượng trong tương lai không xa.

Phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với Hải Vân Quan

Từ tình trạng xuống cấp, cây cỏ dại phủ lối và đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ bất cứ khi nào, di tích Hải Vân Quan đã thật sự hồi sinh sau “cái bắt tay lịch sử” của Đà Nẵng và Huế, khẳng định vị trí quan trọng trên "Con đường di sản miền Trung" và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Hối hả trên các công trình trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc thành phố

Trên những công trình trọng điểm, động lực tại quận Liên Chiểu, không khí lao động ra rất rộn ràng, khẩn trương. Các nhà thầu, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, máy móc chuyên dụng hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ - chất lượng - hiệu quả.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Sáng 15-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hoàng chủ trì hội nghị.

Xuất bản thông tin

Navigation Menu

Navigation Menu